1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỷ giá có thể lên mức 22.800 VND/USD vào cuối năm?

(Dân trí) - HSBC dự báo, NHNN có thể phải giảm giá tiền đồng thêm 2% nữa từ nay đến cuối năm khi đồng Nhân dân tệ yếu hơn. Theo đó, nhà băng này nâng mức dự báo tỷ giá từ mức 21.830 VND lên 22.800 VND vào cuối năm và cuối năm 2016 đạt 23.300 VND/1 USD.

Tiền đồng đã có phản ứng phù hợp

Trong báo cáo đánh giá về việc giảm giá tiền VND, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng: Mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh cơ chế xác định tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang được cảm nhận ở khắp các đồng tiền châu Á. Nhưng riêng đồng Việt Nam đang đối mặc với nhiều áp lực gia tăng.

Kể từ khi Trung Quốc điều chỉnh cơ chế xác định tỷ giá đồng Nhân dân tệ vào ngày 11/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới biên độ giao dịch hai lần, từ +/-1% lên +/-3% và cũng tăng tỷ giá bình quân của USD/VND lên 1%.

 

Tỷ giá có thể lên mức 22.800 VND/USD vào cuối năm? - 1

Tỷ giá USD/VND sẽ còn tăng tiếp?

 

“Tiền đồng Việt Nam đã có phản ứng phù hợp, giảm gần 3% so với đồng USD trong tuần vừa qua. Chúng tôi tin rằng, NHNN có thể phải giảm giá tiền đồng thêm 2% nữa từ nay đến cuối năm khi đồng tiền Nhân dân tệ yếu hơn sẽ tạo ra một môi trường ngày càng cạnh tranh cho ngành xuất khẩu của Việt Nam”, bản báo cáo cho hay.

Theo HSBC, NHNN rõ ràng có nguồn dự trữ ngoại tệ mà họ có thể sử dụng để duy trì một mức độ ổn định tiền tệ nhất định. Dẫn một đánh giá của bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, HSBC cho hay, việc Chính phủ Việt Nam có thể vay tiền từ các nguồn dự trữ của NHNN đã làm sứt mẻ thêm lòng tin của các nhà đầu tư vào tiền đồng và có thể dẫn đến việc NHNN bị mất mức độ tín nhiệm. Nếu như dự trữ ngoại hối của NHNN được sử dụng nhằm cấp vốn cho các dự án Chính phủ, điều này sẽ khiến NHNN thiếu cơ sở để giúp họ thực hiện cam kết của mình.

Tuy nhiên, “chúng tôi không nghĩ rằng đồng Việt Nam sẽ giảm giá mạnh từ nay về sau. Nền kinh tế Việt Nam thực sự là một trong những điểm sáng trong khu vực châu Á. Nhu cầu nội địa đã hồi phục và cán cân thanh toán cân bằng hơn cộng với mức độ lạm phát thấp và lãi suất thực tế khá cao cho phép các chính sách tỷ giá trở nên linh động hơn trong khả năng kiểm soát nhu cầu USD. Ngoài ra, nợ nước ngoài của Việt Nam cao hạn chế cơ hội cho NHNN điều chỉnh tiền đồng quá nhanh”, HSBC nhận định.

Chính vì vậy, nhà băng này quyết định chỉnh sửa dự báo của mình và kỳ vọng tiền đồng sẽ giảm giá thêm so với USD là 2% trong năm 2015 và thêm 2% nữa trong năm 2016. Dự báo cuối năm 2015 tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 22.800 VND và cuối năm 2016 là 23.300 VND.

Hàng hóa Việt Nam cạnh tranh ngày càng mạnh với Trung Quốc

Phân tích thêm về tình hình kinh tế, HSBC cho rằng: Việt Nam trong thời gian gần đây đã thể hiện là một trong vài nền kinh tế châu Á có số liệu xuất khẩu mạnh mẽ. Trên cơ sở so sánh ba tháng so với cùng kỳ năm trước, Việt Nam là quốc gia duy nhất có mức tăng trưởng dương với một biên độ rộng, mặc dù “chiếc bánh thương mại” toàn cầu không có tăng.

Qua đó, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh về lĩnh vực sản xuất tập trung nhiều lao động để đạt được thị phần và tích cực tham gia vào các thoả thuận thương mại tự do. Mặt hàng sản xuất và linh kiện sản xuất đã trở thành nguồn đóng góp chính cho hoạt động xuất khẩu nói chung, đặc biệt là trong những năm gần đây. Hơn nữa, Việt Nam nằm ngoài sự ảnh hưởng nặng nề bởi các chu kỳ hàng hoá mà các nước láng giềng Đông Nam Á đang gặp phải.

 

Tỷ giá có thể lên mức 22.800 VND/USD vào cuối năm? - 2

Hàng hóa Việt Nam cạnh tranh ngày càng mạnh với Trung Quốc

 

Việt Nam hiện đang có mức thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay (mặc dù trong năm 2015 tình hình tích cực hơn) vì phải nhập khẩu một lượng lớn hàng hoá vốn cần thiết để đầu tư, tuy nhiên, thâm hụt song phương với Trung Quốc đặc biệt lớn. Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam nhưng lại chiếm 30% lượng hàng nhập khẩu, một tỷ lệ ngày càng phát triển có lợi cho Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm 2015, theo số liệu của Hải Quan Việt Nam, thâm hụt thương mại song phương đã tăng 30,2% ở mức 19,4 tỷ USD, một mức cao kỷ lục.

Mặc dù một phần của con số này được phản ánh ở con số nhập khẩu thiết bị điện tử và các thành phần công nghiệp hoá đó rất cần thiết cho việc hội nhập chuỗi cung ứng và đầu tư vốn vào Việt Nam, một phần đáng kể khác là ở mặt hàng may mặc và giày dép - những mặt hàng Việt Nam đang cạnh tranh tương đương với Trung Quốc. Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam đang cạnh tranh ngày càng mạnh với Trung Quốc tại các thị trường quốc tế, và có một mức độ cạnh tranh tương đương với Trung Quốc ở các ngành công nghiệp non trẻ mà Việt Nam đang cố gắng phát triển, chủ yếu là sản xuất ô tô và đóng tàu.

“Từ quan điểm kinh tế cơ bản, nền kinh tế có thể chịu được việc tiền đồng giảm giá lần thứ ba trong năm nay. Lạm phát đang ở mức thấp kỷ lục trong vài tháng gần đây nhờ vào sự tác động của chi phí vận chuyển thấp hơn (kết quả của  năm lần cắt giảm giá xăng RON 92 trong năm nay). Mức độ ảnh hưởng lan truyền của tiền đồng yếu đối với lạm phát toàn phần nằm trong tầm kiểm soát, đặc biệt là khi giá năng lượng ở mức thấp”, báo cáo nhận xét.

Nguyễn Hiền

Tỷ giá có thể lên mức 22.800 VND/USD vào cuối năm? - 3

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm