Tuyến Metro 1 đội vốn 30.000 tỷ đồng: Cần cơ chế riêng đặc thù

(Dân trí) - Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc tăng vốn cho dự án metro tuyến Bến Thành-Suối Tiên lên tới 30.000 tỷ đồng cần phải có cơ chế riêng, đặc thù thay vì theo Nghị định cấp phát cho vay lại mới của Bộ Tài chính.


Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy song song xa lộ Hà Nội (đoạn gần ngã tư Bình Thái).

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy song song xa lộ Hà Nội (đoạn gần ngã tư Bình Thái).

Liên quan tới nguồn vốn cho dự án metro tuyến Bến Thành-Suối Tiên, trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay (24/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để quyết bài toán tăng vốn cho dự án này, cần phải thống nhất được cơ chế cấp phát và vay lại, nghĩa là Chính phủ cấp bao nhiêu và thành phố bao nhiêu cho số vốn 30.000 tỷ tăng thêm của dự án này.

"Dự án lúc đầu có tổng vốn là 17.000 tỷ đồng, nhưng sau điều chỉnh lên đến 47.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định, dự án vượt trên 35.000 tỷ đồng thì phải báo cáo Quốc hội. Phải thống nhất được những vấn đề nêu trên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có thể đưa dự án vào kế hoạch giải ngân vốn trung hạn và bố trí vốn giải ngân", ông nói.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cần phải có cơ chế riêng, đặc thù cho dự án này thay vì theo Nghị định cấp phát cho vay lại mới của Bộ Tài chính. Ngoài ra, việc tăng vốn cho dự án cũng sẽ còn phải phụ thuộc vào phía các bộ, ngành liên quan.

"Hiện Bộ đang chủ động đưa ra cách tháo gỡ cho dự án trọng điểm này. Tinh thần là làm nhanh hết cỡ, nhưng trước hết phải thống nhất lại cách hiểu, thống nhất quy trình: ai phê duyệt, xác định mức tăng có hợp lý hay không? Tăng 30.000 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ", ông Dũng nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, theo ông, hiện đang có việc hiểu chưa đúng quan điểm chỉ đạo trước đây của lãnh đạo cấp có thẩm quyền đối với dự án này. Cụ thể, Chính phủ ký trước đây đồng ý cho phép điều chỉnh dự án, chứ không phải phê duyệt điều chỉnh đó. Do cách hiểu chưa đúng nên TPHCM nghĩ đã được phê duyệt tăng thêm vốn rồi.

"Dự án này hiện chưa đưa vào trung hạn vì chưa được phê chuẩn, nên chưa thể có cơ chế thoả thuận cấp phát bao nhiêu, vay lại bao nhiêu. Do vậy, Trung ương chưa biết bố trí vốn theo số nào, và ai là người có thẩm quyền. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nguồn dự phòng cho dự án, vì thế không lo thiếu nguồn giải ngân. Song, dù nguồn vốn phía Nhật đã chuyển cho Việt Nam nhưng cân đối ngân sách, kế hoạch thì phải xử lý", ông nói thêm.

Liên quan đến câu chuyện trách nhiệm để xảy ra những vấn đề với dự án này, ông Dũng cho rằng: "TPHCM có trách nhiệm một chút, Bộ Giao thông Vận tải cũng có trách nhiệm. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có trách nhiệm đã thiếu đôn đốc các bên. Chúng tôi đã phải rà soát lại để đưa ra hướng giải quyết cho dự án này thời gian tới và trình báo cáo lên Chính phủ".

Còn theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê, TPHCM bước đầu đã tạm ứng gần 1.000 tỷ đồng cho dự án này. Trong tuần này, tuyến đường bắt đầu đặt thử những mét đường ray đầu tiên, đảm bảo lộ trình không bị tắc nghẽn.

Ông Khuê cho rằng, tuyến metro này chậm sẽ ảnh hưởng tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ODA vào quốc gia, chứ không riêng TPHCM.

"Nhưng vấn đề này không phải không thể tháo gỡ. Chúng ta cần soát xét lại Nghị quyết 49 của Quốc hội trước đây có bất hồi tố hay không, hay những điểm nghẽn thao tác hành chính nào đó để tháo gỡ được. Tôi tin rằng Chính phủ đã tiếp nhận sự tắc nghẽn này. Quốc hội trên cơ sở Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TPHCM phát triển thì sẽ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ tắc nghẽn vốn của metro tuyến Bến Thành-Suối Tiên", ông Khuê nói.

Dự án Metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được khởi công vào tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến metro đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương)..

Đơn vị được giao lập dự án đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi-South). Tổng mức đầu tư dự án được lập ban đầu là 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, đơn vị tư vấn trúng thầu là liên danh NJPT (gồm các công ty tư vấn Nhật Bản, đứng đầu là Công ty Nippon Koei) đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu,... là chưa phù hợp. Sau đó, NJPT thiết kế lại và đề xuất tổng mức đầu tư là 47.000 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho hay, trong trường hợp bất khả kháng không thu xếp vốn cho dự án, chúng ta phải tạm dừng dự án metro số 1 TPHCM (đoạn Bến Thành - Suối Tiên) từ đầu năm 2018 thì hậu quả sẽ không lường hết được.

Phương Dung