Tương lai u ám của đồng USD
(Dân trí) - Khi nguồn cung USD tràn ngập thị trường và sức hấp dẫn của các loại hình đầu tư khác tăng lên, sức hấp dẫn của USD không còn nữa.
Thị trường hiện nay lo ngại nhiều về việc ngân sách Mỹ thâm hụt mạnh và phía Trung Quốc liên tục kêu gọi thế giới cần có một loại tiền tệ dự trữ mới. Nhiều khả năng USD sẽ phải chịu rất nhiều áp lực.
Ông Simon Derrick, trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ tại Bank of New York Mellon - một trong 19 ngân hàng lớn nhất của Mỹ, cho rằng USD sẽ tiếp tục hạ giá.
Nguyên nhân là thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là tại các nước mới nổi đã tăng điểm mạnh trong những tháng gần đây, trong dó chỉ số Shanghai Composite đã tăng tới 63% trong năm nay.
Tuy nhiên nguồn gây áp lực chính lên đồng USD vẫn là lo ngại về thâm hụt ngân sách của Mỹ. Mức thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể lên tới 1.850 tỷ USD trong năm nay, mức này tương đương 13% GDP - mức cao chưa từng có tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. FED sẽ buộc phải in thêm tiền, nguồn cung USD vì thế sẽ tràn ngập thị trường.
Dù Ngân hàng Trung ương Mỹ ngày 24/6 cho biết họ không có kế hoạch mở rộng mua trái phiếu thế chấp ra ngoài kế hoạch 1.200 tỷ USD đã công bố vào tháng 3/2009, tuy nhiên không phải ai cũng tin vào điều này.
Tháng 3/2009, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã kêu gọi về việc nên có một đồng tiền dự trữ mới của thế giới, mới đây trong bản báo cáo về ổn định tài chính từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, quan điểm này lại được nhắc lại.
Lời kêu gọi này của Trung Quốc đã khiến USD tiếp tục hạ giá so với các loại tiền tệ lớn khác.
Ngọc Diệp (theo Time)