Tuần đen đủi của đại gia Việt, người bị bán tháo cổ phiếu người bị áp thuế cá tra
(Dân trí) - Tuần qua chứng kiến nhiều đại gia Việt liên tục mất tiền trên sàn chứng khoán. Các đại gia Việt không bị tin xấu làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá cổ phiếu thì cũng bị quỹ đầu tư ngoại bán tháo.
Hung tin giáng xuống đại gia thuỷ sản Dương Ngọc Minh
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017.
Theo đó, bất ngờ là mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Tập đoàn thuỷ sản Hùng Vương của “vua cá” Dương Ngọc Minh là 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ). Trong khi đó, NTSF Seafood vẫn giữ mức 1,37 USD/kg so với mức thuế sơ bộ đã công bố trước.
Thông tin này đã “giáng đòn” mạnh lên cổ phiếu HVG của Thuỷ sản Hùng Vương. Kết thúc phiên giao dịch 26/4, cổ phiếu HVG của Thuỷ sản Hùng Vương đã giảm kịch sàn ngay trước kỳ nghỉ lễ, hiện chỉ còn 5.570 đồng/cổ phiếu.
Mã này bị nhà đầu từ “xả hàng” rất mạnh, khối lượng khớp lệnh toàn phiên đạt 835 nghìn cổ phiếu song vẫn còn hơn 3,6 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn và hoàn toàn trắng bên mua. Đây đã là phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp của mã này trong tuần qua.
Cổ phiếu của nữ tỷ phú hàng không “thoát đáy”
Phiên 25/4 qua, cổ phiếu VJC tăng giá 700 đồng tương ứng tăng 0,61% lên 115.200 đồng/cổ phiếu. Mã này vừa thoát mức đáy 52 tuần giao dịch tại hơn 109.500 đồng vào ngày 8/4 và hiện đã hồi phục liên tục trong suốt nhiều phiên vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang là nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet đang là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam với phần lớn giá trị tài sản nằm tại cổ phiếu VJC. Bà Thảo đang nắm giữ 39,56 triệu cổ phiếu VJC và gián tiếp sở hữu 128,95 triệu cổ phiếu VJC thông qua công ty riêng là Hoa Hướng Dương Sunny. Giá trị tài sản trên sàn của bà Thảo tại thời điểm kết phiên 25/4 vào khoảng 20.423 tỷ đồng.
Bầu Hiển quyết “chơi lớn”, nợ Vinashin vẫn “cản đường” cổ tức
Chiều 23/4, SHB đã tổ chức thành công phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Vẫn như các kỳ họp ĐHĐCĐ các năm trước, vấn đề cổ tức tiếp tục được cổ đông SHB quan tâm và đưa ra chất vấn ban lãnh đạo SHB.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, do nhận sáp nhập Habubank có khoản nợ liên quan đến Vinashin và bán cho VAMC nên phải trích lập dự phòng trong 8 năm. Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, cần đưa dự phòng xuống dưới 5 năm thì mới được chia cổ tức và ban lãnh đạo ngân hàng sẽ cố gắng xử lý xong để thực hiện chia cổ tức trong năm nay. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là khả thi nhất bởi phải dành nguồn lực để tăng vốn, đáp ứng chuẩn Basel II.
Năm 2019, SHB dự kiến chia cổ tức 11%
Tại cuộc họp này, SHB cũng công khai kế hoạch thu hồi được 3.500 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2019, đồng thời sẽ thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, trong đó trích dự phòng rủi ro các khoản nợ đã bán VAMC năm 2019 dự kiến 2.164 tỷ đồng.
SHB cũng có ý định thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Bờ Biển Ngà để mở rộng vào thị trường Châu Phi; hoặc góp vốn cùng với một tổ chức tín dụng khác tại nước này để mở ngân hàng.
Cổ phiếu công ty bà Thanh Phượng bị nước ngoài bán mạnh
Trong phiên giao dịch ngày 23/4, khối nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng hơn 6,61 triệu cổ phiếu tương ứng 212,04 tỷ đồng trên sàn HSX. Trong đó, hoạt động bán ròng mạnh diễn ra tại cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) với khối lượng bán ròng gần 5,44 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 193 tỷ đồng.
VCSC vừa công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu hoạt động giảm sút tới 36% so với cùng kỳ, chỉ đạt 366,8 tỷ đồng.
Bà Thanh Phượng là nhà sáng lập và là Chủ tịch HĐQT của VCSC
Với sự trầm lắng của thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu năm, giá trị giao dịch giảm 45% so với cùng kỳ năm 2018 nên doanh thu môi giới của VCSC cũng đã bị tác động mạnh, sụt giảm 71% so cùng kỳ, chỉ còn đạt 87,8 tỷ đồng.
Cùng với đó, các hoạt động như lãi từ các khoản cho vay, phải thu, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký, tư vấn tài chính đều sụt giảm.
Cổ phiếu Gang Thép Thái Nguyên “tê liệt” sau tin loạt nguyên lãnh đạo bị bắt
Trong buổi sáng giao dịch ngày đầu tuần, cổ phiếu TIS của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) rơi vào trạng thái “tê liệt” thanh khoản do không có giao dịch nào diễn ra. Mã này có dư mua giá thấp nhưng lại chỉ có lệnh đặt bán tại giá tham chiếu, cung – cầu không gặp nhau nên đã không xảy ra giao dịch. Hiện tại, mức giá cổ phiếu TIS đang là 10.500 đồng/cổ phiếu.
Nguyên do là bởi, ngày 18/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty TISCO và đã có 5 cá nhân bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra xác minh 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại dự án này.
Trong 5 cá nhân này có nguyên Chủ tịch HĐQT Vnsteel Mai Văn Tinh, nguyên Tổng giám đốc Vnsteel Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TISCO Trần Văn Khâm và nguyên Phó Tổng giám đốc, Trưởng BQL dự án mở rộng giai đoạn 2 – Công ty TISCO Ngô Sỹ Hán.
Thế Hưng