Kinh doanh đi xuống, cổ phiếu công ty bà Thanh Phượng bị nước ngoài bán mạnh
(Dân trí) - Sự ảm đạm của thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu năm đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý I của VCSC. Điều này cũng đã được công ty này lường trước với việc lần đầu tiền đặt kế hoạch “đi lùi” trong năm 2019.
Trong phiên giao dịch ngày 23/4, khối nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng hơn 6,61 triệu cổ phiếu tương ứng 212,04 tỷ đồng trên sàn HSX. Trong đó, hoạt động bán ròng mạnh diễn ra tại cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) với khối lượng bán ròng gần 5,44 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 193 tỷ đồng.
VCSC vừa công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu hoạt động giảm sút tới 36% so với cùng kỳ, chỉ đạt 366,8 tỷ đồng.
Với sự trầm lắng của thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu năm, giá trị giao dịch giảm 45% so với cùng kỳ năm 2018 nên doanh thu môi giới của VCSC cũng đã bị tác động mạnh, sụt giảm 71% so cùng kỳ, chỉ còn đạt 87,8 tỷ đồng.
Cùng với đó, các hoạt động như lãi từ các khoản cho vay, phải thu, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký, tư vấn tài chính đều sụt giảm.
Kết quả, VCSC chỉ còn đạt 248,8 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý đầu tiên của năm 2019, giảm 38,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 39% còn 202,5 tỷ đồng.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra hôm 22/4, VCSC đã thông qua mục tiêu doanh thu năm 2019 là 1.653 tỷ đồng, giảm 9,2% so với thực hiện của năm 2018; lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, giảm 16%.
Kế hoạch thận trọng này được xây dựng dựa trên dự báo VN-Index ở mức 960 điểm vào cuối năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên VCSC đặt kế hoạch đi lùi so với thực hiện của năm trước.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ vừa rồi, ông Tô Hải – Tổng Giám đốc VCSC cũng thẳng thắn với cổ đông là “không giải thích được” nguyên nhân giá cổ phiếu đi xuống. “Tôi thấy giá cổ phiếu VCI khó tăng về đỉnh 100.000 đồng vì còn phụ thuộc vào thị trường. Phải chờ tới cuối năm khi thị trường hồi phục lại thì mới biết được”, CEO công ty cho biết.
Cổ phiếu VCI sau khi sụt giảm 0,83% trong phiên 22/4 thì đã trụ lại mức tham chiếu 35.700 đồng phiên 23/4. Mức giá này so với 1 năm trước đã giảm mạnh hơn 49%, tức “bốc hơi” phân nửa giá trị.
Trên thị trường chứng khoán, trải qua giao dịch giằng co, các chỉ số cũng đã kết phiên giao dịch ngày 23/4 với trạng thái tăng. VN-Index tăng 2,14 điểm tương ứng 0,22% lên 968 điểm và HNX-Index tăng 0,66 điểm tương ứng 0,62% lên 106,29 điểm.
Thống kê cũng đã cho thấy số mã tăng đã chiếm ưu thế đáng kể so với số mã giảm trên quy mô toàn thị trường. Có tổng cộng 342 mã tăng, 61 mã tăng trần so với 260 mã giảm, 34 mã giảm sàn.
Phiên này, chỉ riêng GAS và VIC đã đóng góp phần lớn trong mức tăng chung của VN-Index. Cụ thể, GAS đóng góp cho chỉ số 2,1 điểm còn VIC đóng góp 1,07 điểm. Ngoài ra, VRE, CTG, BVH, PLX tăng giá cũng có tác động tích cực đến VN-Index. Ngược lại, VNM, VHM giảm lần lượt kéo lùi chỉ số lần lượt 1,38 điểm và 1,02 điểm.
Thanh khoản đạt 154,88 triệu cổ phiếu tương ứng 4.128,76 tỷ đồng trên HSX và 28,02 triệu cổ phiếu tương ứng 344,78 tỷ đồng trên HNX.
Theo dự báo của BVSC, thị trường sẽ gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự 973-975 điểm trong phiên 24/4 này. Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể tiến đến thử thách vùng kháng cự 980-983 điểm ngay trong nhịp tăng lần này.
Dù vậy, BVSC vẫn bảo lưu quan điểm thận trọng cho rằng sự hồi phục của thị trường có thể chỉ là các nhịp hồi mang tính kỹ thuật, qua đó để ngỏ khả năng quay đầu giảm điểm của chỉ số tại các vùng kháng cự được đề cập ở trên.
Thanh khoản thị trường sẽ vẫn bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ dài ngày đang đến gần. Tuy nhiên, các cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 có thể sẽ có diễn biến sôi động hơn trong những phiên cuối tuần do đây là thời điểm cuối cùng để các quỹ thực hiện tái cơ cấu danh mục.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng và dầu khí dự kiến cũng sẽ tiếp tục có diễn biến tăng điểm trong những phiên còn lại của tuần. Xu hướng của thị trường hiện tại vẫn được xác định với mức giảm ngắn hạn.
Mai Chi