Tư nhân xây cảng hàng không: Bộ trưởng nói nhà đầu tư chủ yếu nhìn vào chỗ "lợi nhuận cao"
(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục xã hội hóa các cảng hàng không nhưng theo hình thức khác. Ví dụ, nếu doanh nghiệp quan tâm thì làm từ đầu cả hạng mục sinh lợi và không sinh lợi để đảm bảo hài hòa lợi ích.
Trả lời về vấn đề xã hội hóa các cảng hàng không tại phiên chất vấn Uỷ ban Thương vụ Quốc hội sáng nay (15/8), Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện cả nước có 22 sân bay nhưng chỉ có sân bay Vân Đồn do nhà đầu tư quản lý.
Còn lại 21 sân bay, Chính phủ đã giao giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý. Trong cơ cấu vốn của ACV, vốn Nhà nước chiếm 95,6%, do đó ACV có trách nhiệm đầu tư 21 sân bay.
"Với 21 sân bay này, chỉ 8 sân bay có lợi nhuận, còn lại thu không đủ chi. Do đó, ACV phải lấy nguồn thu từ 8 sân bay có lợi nhuận cao để hỗ trợ các sân bay còn lại. Các nhà đầu tư bên ngoài chủ yếu tập trung vào các cảng hàng không có lợi nhuận cao”, Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, khi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư sân bay sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ACV, ACV có thể sẽ không quản lý được toàn bộ 21 sân bay hoạt động bình thường. Theo đó, ảnh hưởng đến nguồn thu của doanh nghiệp Nhà nước, tài sản Nhà nước.
“Quan điểm của Chính phủ là tiếp tục xã hội hóa nhưng theo hình thức khác. Ví dụ, Cảng hàng không Lào Cai đang kêu gọi đầu tư, nếu doanh nghiệp quan tâm thì làm từ đầu cả hạng mục sinh lợi và không sinh lợi để đảm bảo hài hòa lợi ích”, ông Nguyễn Văn Thể phân tích.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý, từ thành công của việc xã hội hóa xây dựng sân bay Vân Đồn, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu ý kiến của đại biểu, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các sân bay khác.
“Những cảng hàng không hiện nay thu không đủ chi, cơ chế phải thay đổi thế nào? Ngay cả sân bay Long Thành - dự án trọng điểm quốc gia nhưng có thể phát huy kinh nghiệm từ Vân Đồn, có thể chia ra từng gói, cái nào Nhà nước đầu tư, cái nào xã hội hóa để doanh nghiệp đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải phải tham mưu cho Chính phủ", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Với như dự án sân bay Long Thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ chủ trương xây dựng của Quốc hội, Quốc hội cho chủ trương bố trí nguồn vốn, còn thực hiện như thế nào, hiệu quả nhất, nhanh nhất là do điều hành của Chính phủ, không phải báo cáo lại Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ chủ trương xây dựng sân bay Long Thành của Quốc hội, Quốc hội cho chủ trương bố trí nguồn vốn, còn thực hiện như thế nào, hiệu quả nhất, nhanh nhất là do điều hành của Chính phủ, không phải báo cáo lại Quốc hội.
Tính đến tháng 3/2019, Việt Nam có 22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế. Từ 2014 - 2018, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, hàng không Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Từ năm 2014 đến nay, lượng khách hàng không của Việt Nam đã tăng 103%, vượt qua con số 100 triệu lượt khách, tăng 20,5%/năm.
Dù vậy, các chuyên gia chỉ ra rằng, năng lực của các cảng hàng không hiện nay vẫn đang thiếu hụt về hạ tầng, nhiều sân bay đang quá tải khi vượt qua công suất thiết kế.
Trong khi đó, so sánh với các nước trong khu vực, Thái Lan hiện có 70 triệu dân, 38 triệu khách du lịch quốc tế năm 2018 và 52 sân bay. Singapore có 6 triệu dân, 18 triệu khách du lịch với một sân bay duy nhất và họ đang tiếp tục xây một sân bay khác. Đáng chú ý, toàn bộ 21 sân bay của Việt Nam cộng lại mới bằng một sân bay lớn nhất tại BangKok (Thái Lan) hay Changi của Singapore.
Tại phiên đối thoại cấp cao với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề nghị Chính phủ, Thủ tướng trao nhiệm vụ cho khu vực tư nhân tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng giao thông như Cảng hàng không Long Thành.
"Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân, tôi tin chắc rằng các doanh nghiệp này sẽ thực hiện dự án trong không phải 30 năm mà sẽ dưới 10 năm. Đây là nỗ lực mà khối doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ", ông Bình nói.
Tại thời điểm đó, phản hồi đề xuất để các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hạ tầng hàng không, theo ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đầu tư cho giao thông rất tốn kém, cần phải huy động các nguồn vốn xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Ông khẳng định Chính phủ luôn mời gọi tư nhân hoá đầu tư sân bay.
Về vấn đề này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không cũng cho rằng, thực tế trong thời gian qua Chính phủ đã đẩy mạnh, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào phát triển các cảng hàng không.
"Tuy nhiên, bên cạnh cơ chế khuyến khích doanh nghiệp cũng phải có các hành lang pháp lý đầy đủ. Quan điểm của nhà nước là phải phát triển bền vững, bao gồm cả những dự án phát triển cảng hàng không. Nếu cứ làm tự do, nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Ngoài ra, phát triển hàng không cũng cần có các tư vấn nước ngoài với tầm nhìn khách quan và dài hạn", ông Thắng nhận định.
Phương Dung