Thái Nguyên:

Tư nhân tự lập “trạm thu phí” giá “cắt cổ”

Từ cuối tháng 6, mỗi xe ôtô tải trọng trên 15 tấn muốn đi qua Suối Mang nằm trên QL37 thuộc địa phận huyện Đại Từ (Thái Nguyên) phải “góp vốn” từ 300 - 500 nghìn đồng.

Các xe phải đóng mức “thuế đường” kể trên chỉ để đi qua đoạn đường tránh dài chưa đầy 50m qua Suối Mang.

 

Góp vốn hay thu phí

 

Sau khi phát hiện cầu Suối Mang km 154+255 QL37 thuộc thị trấn Đại Từ (huyện Đại Từ) bị hư hỏng, Sở GTVT Thái Nguyên đã kiến nghị đến Tổng cục Đường bộ VN có phương án sửa chữa cầu. Tổng cục Đường bộ VN đã khảo sát và đồng ý sửa chữa cầu nhưng không có hạng mục đường tránh để các xe trọng tải lớn lưu thông qua cầu. Trong khi đó, hai đầu cầu đã được cắm biển cấm xe tải trọng trên 15 tấn, muốn qua cầu buộc các xe phải hạ tải hoặc đi đường khác xa hơn hàng trăm kilômét. 

 

Với lý do có nhiều xe tải trọng lớn lưu thông qua tuyến đường này, ngày 31/5, Cty CP đầu tư công nghiệp Thành Long (Cty Thành Long) đã đề xuất được cùng một số DN vận tải hàng hóa trên địa bàn cùng góp vốn tự đầu tư thi công đường ngầm (đường tránh qua Suối Mang) và được tỉnh Thái Nguyên chấp thuận. UBND tỉnh cũng cho phép các DN, cá nhân khác nếu có nhu cầu sử dụng đường tránh phải hợp đồng góp vốn với nhà đầu tư để chia sẻ chi phí đầu tư, quản lý, khai thác đường tránh. Việc góp vốn phải dựa trên chi phí đầu tư, quản lý và khối lượng vận chuyển.

 

Trong văn bản xin phép đầu tư đường tránh, Cty Thành Long cũng cho biết những DN vận tải tham gia góp vốn làm đường ngầm đều có hợp đồng cụ thể để làm căn cứ. Nhưng thực tế, những “hợp đồng” này lại na ná như một biên lai thu phí. Tài xế xe tải BKS 20C-00xxx (đề nghị giấu tên) cho biết: “Họ bắt chúng tôi phải đóng tiền mới được đi qua đường ngầm dưới hình thức tự nguyện”.

 

Cụ thể, bản “hợp đồng góp vốn” để đi qua đường ngầm được ghi với tiêu đề đơn tự nguyện góp tiền xây dựng đường ngầm cầu Suối Mang. “Hợp đồng” này không ghi bên A hay bên B mà chỉ có họ tên người nộp tiền, địa chỉ, số tiền và biển kiểm soát của xe đi qua đường ngầm. Dưới cùng là chữ ký của người nhận tiền, không ghi đơn vị hay tổ chức nào cả. Số tiền mà tài xế này phải đóng là 400 nghìn đồng/lượt, anh này cho hay đấy là với xe thường xuyên đi qua đường ngầm này, còn xe lạ hay trọng tải lớn hơn phải mất đến 500 nghìn đồng/lượt. Tài xế kể trên bức xúc: “Chúng tôi đã phải đóng phí bảo trì đường bộ, bây giờ cầu hỏng phải sửa lại bắt chúng tôi phải đóng mấy trăm nghìn một lượt để đi qua đường tránh. Làm sao chịu nổi?”.

 

Tiền vào túi ai?

 

Khi PV đề cập đến hiện tượng kể trên, ông Vũ Tiến Thành - Giám đốc Cty Thành Long - lại khẳng định: “Việc thu tiền không phải là chủ trương của Cty. Việc thu tiền là chỗ ông Dũng, ông ấy làm thêm như thế nào thì không biết”. Ông Thành còn cho biết, hiện mới chỉ có một DN góp số tiền trên 100 triệu đồng cùng Cty xây dựng đường ngầm tránh trong khi tiền làm đường tránh khoảng 700 triệu đồng.

 

Trạm thu phí được chắn bằng một thanh tre. Ảnh: Vinh Hải
"Trạm thu phí" được chắn bằng một thanh tre. Ảnh: Vinh Hải

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người có tên là Dũng được ông Vũ Tiến Thành nhắc tới là một người làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên. PV cũng đã gặp ông Dũng để trao đổi về vấn đề trên. Tại cuộc gặp, ông Dũng đã đưa cho PV xem những giấy tờ liên quan đến việc tỉnh Thái Nguyên đồng ý cho Cty Thành Long tự đầu tư đường ngầm và góp vốn cùng đơn vị khác. Khi được hỏi về số lượng DN đã có hợp đồng góp vốn, ông Dũng trả lời “có vài DN” và thừa nhận thu tiền của các xe tải nặng đơn lẻ với mức 300 nghìn đồng/xe.

 

Dù UBND tỉnh Thái Nguyên đã nêu rõ việc góp vốn với nhà đầu tư phải dựa trên ba yếu tố là chi phí đầu tư, quản lý và khối lượng vận chuyển. Nhưng trên thực tế, các tài xế không rõ cơ quan, đơn vị nào đứng ra giám sát việc thu tiền bằng những bản hợp đồng góp vốn kỳ lạ kể trên. Điều này càng làm dấy lên băn khoăn khi không biết DN đầu tư bao nhiêu, thu được bao nhiêu tiền trong những ngày qua và nếu số tiền thu được vượt quá chi phí đầu tư xây dựng sẽ được xử lý thế nào? Sự nhập nhằng giữa việc tự nguyện góp vốn với việc ép tài xế phải nộp “thuế đường” rất cần sự giải thích rõ ràng từ các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên.

 

 Không chỉ đạo thu tiền

 

Trong cuộc trao đổi với PV, ông Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên - nhiều lần khẳng định “không được thu phí qua đoạn đường tránh” và “không ai chỉ đạo thu tiền”. Ông Bình cho biết: “Sở có kiến nghị với UBND tỉnh đồng ý chủ trương để DN tự đầu tư đường tránh nhưng chúng tôi không có hướng dẫn các DN phải thương thảo như thế nào, không có chỉ đạo thu tiền”.

 

Theo Vinh Hải – Thành Đồng

Lao động