Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp:

Tư lệnh ngành tài chính, công thương, ngân hàng đồng loạt cam kết "khủng"

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính cam kết miễn giảm phí hàng loạt thuế phí doanh nghiệp, tư lệnh ngành Ngân hàng nói sẽ lập đoàn thanh tra, còn Bộ trưởng Công Thương hứa sẽ rà soát hiệu quả chính sách Chính phủ.

Tại Hội nghị trực tuyến “Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp: Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế”, diễn ra sáng nay (9/5), nhiều Bộ trưởng đã đăng đàn chia sẻ những phương hướng để hồi phục nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó sau thời đại dịch Covid-19.

Bộ Tài chính hứa giảm hàng loạt phí

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói Bộ đang xây dựng chính sách giảm một loạt thuế phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Theo ông Dũng, kết quả các đợt gia hạn nộp thuế mới đây đã có hơn 90.200 doanh nghiệp được thụ hưởng, số thuế gia hạn hơn 26.100 tỷ đồng.

bo truong dinh tien dung.jpg

Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính (ảnh: VGP)

Bộ này cũng đang tiến hành giảm lệ phí môn bài, miễn thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên phụ liệu, giảm sâu phí và lệ phí đăng ký doanh nghiệp...

Theo ông Dũng, trong thời gian tới do dịch bệnh ngân sách sẽ giảm thu, vì vậy để cân đối ngân sách, giảm bội chi, cần kế hoạch giảm chi, trong đó dự báo nhiều nguồn thu giảm như giá dầu thô giảm, tiến độ cổ phần hóa chậm, chi cho công tác chống dịch tăng cao...

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất giải pháp để Chính phủ xem xét, trong đó tiếp tục các mục tiêu giảm thuế, chính sách giảm thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân...

Đáng chú ý, Bộ trưởng Dũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Dự thảo Nghị định mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trong đó có dự thảo sửa đổi Nghị định 134/2018 và dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 về thuế nhập khẩu một số mặt hàng dệt may, da giày, ô tô, linh kiện ô tô sản xuất trong nước...

Theo ông Dũng, hiện Bộ Tài chính đã ban hành 8 thông tư về miễn giảm phí và lệ phí, thời gian tới bộ này sẽ ban hành thêm 11 thông tư về vấn đề này, giúp doanh nghiệp, người dân lúc khó khăn.

Ngân hàng lập đoàn thanh tra chống phiền hà doanh nghiệp

Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm lãi, giảm nợ, ngành ngân hàng đã có kết quả bước đầu.

Tư lệnh ngành tài chính, công thương, ngân hàng đồng loạt cam kết khủng - 2

Ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (ảnh: VGP)

Cụ thể, tính đến ngày 8/5, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỷ đồng, miễn, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi 630.000 tỷ đồng và 182.000 khách hàng, với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5% đến 2,5%, miễn giảm phí thanh toán trên 1.000 tỷ đồng.

Tư lệnh ngành ngân hàng cam kết sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cao hơn cho các ngân hàng, đồng thời sẽ xem xét giảm một số lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, giảm chi phí, giảm lợi nhuận của ngân hàng để hỗ trợ thị trường.

Theo ông Hưng, đa số ngân hàng đã triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số ngân hàng còn chưa quyết liệt, chậm trễ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo toàn bộ hệ thống vào cuộc để xử lý nghiêm trường hợp, gây phiền hà doanh nghiệp.

"Chúng tôi đã yêu cầu Chủ tịch các ngân hàng, Tổng Giám đốc chỉ đạo trực tiếp việc hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa quy trình thủ tục. Ngay sau Hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập đoàn công tác về các khu vực trọng điểm, kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh với các hiệp hội và doanh nghiệp" - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Rà soát hiệu quả, thẩm thấu chính sách của Chính phủ

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu 4 nhiệm vụ cần triển khai, trong đó đặc biệt chú trọng vào việc khơi thông thị trường trong nước thông qua thương mại điện tử và hạ tầng thương mại.

Tư lệnh ngành tài chính, công thương, ngân hàng đồng loạt cam kết khủng - 3

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương (ảnh: VGP)

Ông Tuấn Anh đề nghị: "Phát triển các gói kích cầu tập trung cho một số ngành hàng có nhu cầu và tiềm năng phát triển, đặc biệt gắn với đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội".

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện các khung khổ chính sách thúc đẩy các cơ chế liên kết trong chuỗi cung ứng và tạo ra chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế.

Tư lệnh ngành Công Thương cho biết sẽ chủ động phối hợp các hiệp hội, ngành hàng rà soát khả năng thẩm thấu chính sách, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn và vướng mắc.

Nguyễn Tuyền