1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Từ "đôi ủng đi cấy lúa" giá 40 triệu đồng, bóc hồ sơ hãng sản xuất

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Video ghi lại cảnh một TikToker Việt khóc lóc khi bị mẹ mang "đôi ủng" giá 40 triệu đồng để đi cấy lúa được bình luận nhiều. Hồ sơ thương hiệu giày trên có gì đặc biệt?

Balenciaga là thương hiệu thời trang cao cấp được Cristobal Balenciaga thành lập năm 1919 tại Tây Ban Nha trước khi chuyển đến Paris (Pháp) năm 1937 và nổi tiếng từ đó đến nay.

Thương hiệu xa xỉ cho giới quý tộc

Theo Highsnobiety, Cristobal Balenciaga sinh năm 1895 tại Getaria - một thị trấn ven biển phía Bắc Tây Ban Nha. Mẹ của ông làm thợ may và điều này đã giúp hình thành gu thẩm mỹ cũng như đam mê thiết kế của ông.

Khi mẹ được một quý tộc có tiếng làm thợ may riêng, Cristobal bắt đầu quan tâm đến thời trang cao cấp. Sau khi vị quý tộc nhận thấy tiềm năng của Cristobal, ông trở thành thợ học việc.

Đến năm 24 tuổi, Cristobal đã có đủ lượng khách hàng quen để mở tiệm thời trang cao cấp của riêng mình. Khách hàng của ông bao gồm một số tầng lớp quý tộc Tây Ban Nha do vị quý tộc nọ giới thiệu.

Từ đôi ủng đi cấy lúa giá 40 triệu đồng, bóc hồ sơ hãng sản xuất - 1

Chân dung Cristobal Balenciaga (Ảnh: Fashionista).

Năm 1973, Cristobal chuyển đến Paris để tiếp tục theo đuổi giấc mơ thành công. Ông đã bỏ bớt "Cristobal" và chỉ giữ lại "Balenciaga" trong tên thương hiệu.

Nhà sáng lập Cristobal được coi là người cách mạng hóa thời trang cho phái nữ vào những năm 1950. Ông đã tạo ra những thiết kế được phái nữ đón nhận nhiệt tình. Cristobal cũng không tuân theo các chuẩn mực thời trang. Trong khi phụ nữ đang mặc những bộ đồ để làm thân hình trở nên giống đồng hồ cát, ông tạo ra chiếc váy không chiết eo đã trở nên nổi tiếng vào năm 1957.

Đến những năm 1960, ông đã phát triển nhiều phong cách mang đậm chất "Balenciaga". Thiết kế chất lượng cao và khác lạ là những yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công của thương hiệu.

Năm 1968, Cristobal nghỉ hưu, đóng cửa Balenciaga rồi qua đời vài năm sau đó. Ông được coi là một trong những bậc thầy của thời trang cao cấp và danh hiệu này hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp to lớn của ông cho ngành. Thậm chí, đối thủ của ông lúc bấy giờ là Christian Dior cũng từng không ít lần khen ngợi sự sáng tạo của Cristobal.

Sự hồi sinh

The Sun cho hay, sau này, Balenciaga được mua lại bởi Jacques Bogart S.A. và bắt đầu dòng sản phẩm quần áo may sẵn đầu tiên. Đến năm 2001, thương hiệu này được mua lại bởi Kering - tập đoàn xa xỉ Pháp sở hữu các thương hiệu đình đám khác như Yves Saint Laurent, Gucci, Alexander McQueen…

Từ năm 2015, nhà thiết kế thời trang Demna Gvasalia trở thành giám đốc sáng tạo của thương hiệu. Demna chấp nhận mọi rủi ro về thời trang và không ngại gây chú ý, cho dù điều đó có được khen ngợi hay không.

Từ đôi ủng đi cấy lúa giá 40 triệu đồng, bóc hồ sơ hãng sản xuất - 2

Chân dung Demna Gvasalia (Ảnh: People).

Định hướng của ông đã giúp Balenciaga được lòng nhiều ngôi sao lớn. Việc họ sử dụng sản phẩm của hãng đã giúp hãng được biết đến nhiều hơn mà không cần thiết lập quan hệ đối tác quảng cáo. Năm 2018, Balenciaga là thương hiệu phát triển nhanh nhất của Kering.

Sau này, để nâng cao tính cạnh tranh, Balenciaga đã mở rộng sang phong cách thời trang đường phố may sẵn.

Tuy nhiên, đến năm 2021, thương hiệu đã mang thời trang cao cấp trở lại với thương hiệu và bước sang một thời đại mới. Đó là một sự tôn kính dành cho Cristobal với các phiên bản cập nhật của những thiết kế mang tính biểu tượng của ông.

Một mảnh ghép trong doanh thu "khủng" vượt 4 tỷ USD

Ngay từ khi mới ra đời, Balenciaga đã là một thương hiệu có tiếng nhờ Cristobal tạo dựng được tên tuổi với giới quý tộc và những thiết kế của ông thực sự độc đáo.

Hiện tại, Balenciaga triển khai nhiều chiến dịch khác nhau để thu hút giới trẻ, đặc biệt là gen Z - những người tiêu dùng của tương lai. Thương hiệu không ngại tung ra các chiến dịch marketing táo bạo để thu hút sự chú ý.

Từ đôi ủng đi cấy lúa giá 40 triệu đồng, bóc hồ sơ hãng sản xuất - 3

Đôi giày thương hiệu Balenciaga được quảng cáo là có giá 40 triệu đồng trong một video viral trên TikTok vài ngày gần đây (Ảnh cắt từ mạng xã hội).

Tháng 2 vừa qua, theo World Street Journal, Kering đã báo cáo doanh thu đạt 21,8 tỷ USD vào năm 2022, tăng 15% so với năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận ròng của tập đoàn đạt 3,85 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021.

Tổng doanh thu của 3 nhà mốt Balenciaga, Alexander McQueen và Brioni của Kering đạt 4,17 tỷ USD, tăng 18% so với một năm trước. Balenciaga đã có một năm 2022 hoạt động tốt bất chấp việc một scandal nổ ra vào tháng 12 gây ảnh hưởng đến doanh số của hãng tại một số thị trường như Mỹ, Anh và Trung Đông.

Bên cạnh đó, tập đoàn hàng xa xỉ của Pháp cũng báo cáo doanh thu từ mạng lưới bán lẻ do họ trực tiếp điều hành, bao gồm các trang thương mại điện tử, đã tăng 10%.

(tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm