Tự ái ốc vít và giấc mơ đẳng cấp quốc tế doanh nghiệp Việt

Câu chuyện về con ốc vít đã động chạm đến lòng tự ái của các nhà sản xuất, mặc dù Việt Nam làm được nhưng chưa có hiệu quả kinh tế. Vậy làm thế nào để hiện thực hóa giấc mơ về những sản phẩm đẳng cấp quốc tế làm nên tên tuổi Việt Nam?

Năng lực và hiệu quả

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin Samsung công bố cần 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe... nhưng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam. Chưa dừng tại đó, đại diện Canon Việt Nam cũng tuyên bố DN trong nước mới chỉ đáp ứng được hộp, bìa carton để đóng gói sản phẩm của họ.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng đến ô tô, máy bay có người lái và không người lái, tàu chiến, tên lửa,... ta còn sản xuất được, nói chi tới vài ba cái ốc vít. Câu chuyện này khiến không ít nhà sản xuất ở Việt Nam... tự ái.

Theo ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch tập đoàn công nghệ Bkav, câu chuyện ở đây không phải không sản xuất được, mà sản xuất như thế nào. Hiện một doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam sản xuất ốc vít bán cho Samsung có giá chỉ từ 50-60 đồng/chiếc. Giá rẻ, chất lượng tốt, không chỉ Samsung mà nhiều DN khác của Việt Nam cũng đặt ốc vít của nhà sản xuất này cho các sản phẩm của mình.

Tự ái ốc vít và giấc mơ đẳng cấp quốc tế doanh nghiệp Việt

Sản phẩm của VN chất lượng thấp, không ổn định và giá thành cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của DN (ảnh minh họa).

Về phía Việt Nam cũng có thể sản xuất được ốc vít với chất lượng tương tự, nhưng giá lại đắt gấp 2-3 lần. Tính về hiệu quả kinh tế, nếu phải chọn mua ốc vít của DN nào thì câu trả lời chắc không khó. Nói DN Việt Nam không sản xuất được ốc vít là theo nghĩa như vậy, ông Thắng lý giải.

“Nếu cố gắng sản xuất ra một sản phẩm với số lượng ít, chỉ để khẳng định ta có thể làm được, thì chúng tôi gọi đó là chế tác; còn sản xuất để cung cấp theo đơn đặt hàng cho các tập đoàn đa quốc gia đòi hỏi phải quy mô công nghiệp. Khi đó, DN cần thỏa mãn rất nhiều điều kiện, mà quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm tốt và giá cạnh tranh; ngoài ra là thời gian giao hàng đúng hẹn, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, lao động... Chuyện này không hề dễ với DN Việt Nam” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thanglongtech, nói thêm.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên thực tế chúng ta phải thừa nhận, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn rất thấp, chủ yếu dựa vào lợi thế lao động hoặc điều kiện tự nhiên mà chưa chú trọng đến yếu tố hàm lượng tri thức và công nghệ. Lý do: 90% DN Việt Nam là vừa và nhỏ, luôn trong tình trạng thiếu vốn và lạc hậu về công nghệ, kỹ thuật. Vì thế, sản phẩm làm ra chất lượng thấp, không ổn định và giá thành cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của DN. Mặt khác, tầm nhìn của DN Việt Nam chưa xa. Để tồn tại, họ buộc phải tính đến những lợi ích ngắn hạn mà chưa đi sâu vào công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong dài hạn.

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH-CN, nhận xét, phần lớn DN nước ta vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Đối với các DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhóm có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng 12%, nhưng chủ yếu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, 88% còn lại có trình độ công nghệ thuộc loại trung bình và lạc hậu. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các DN Việt Nam chỉ đạt dưới 0,5% doanh thu (trong khi Hàn Quốc là 10%).

“Vì thế, các DN Việt Nam khó có thể cải thiện năng lực cạnh tranh để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cũng khó tồn tại bền vững trên thị trường nội địa, chưa nói tới chiếm lĩnh các thị trường khu vực và thế giới”, vị Thứ trưởng nói.

Giấc mơ đẳng cấp quốc tế

Giấc mơ đẳng cấp quốc tế

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mới đây, một số DN Việt Nam đã đi tiên phong, mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu với thiết bị hiện đại và nhân lực trình độ cao để triển khai nghiên cứu, phát triển những sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế.

Theo ông Vũ Thanh Thắng, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dự trên sự khai thác các nguồn tài nguyên có sẵn, như tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ, khoáng sản, tài nguyên nước. Tuy nhiên, các tài nguyên khai thác nhiều sẽ cạn kiệt, nhân công giá rẻ lợi nhuận thu về rất thấp, do đó nền kinh tế dễ rơi vào sự phụ thuộc, không thể phát triển bền vững. Các DN cần phải biết khai thác và đầu tư cho phát triển bền vững.

Ông Thắng cho biết, cách đây 10 năm, Bkav đã quyết định làm chủ công nghệ, để tham gia vào công đoạn có giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị gia tăng, đó là nghiên cứu, thiết kế, phát triển các sản phẩm công nghệ. Sản phẩm nhà thông minh (SmartHome) là một trong những sản phẩm đi đúng hướng đó, được thị trường đón nhận. Do vậy, các DN cần tạo ra công thức phát huy sức mạnh người Việt Nam và có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng cao nhất, ông Thắng nói.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ, lấy ví dụ: “Nói đến iPad, Iphone tất cả chúng ta đều nhắc đến Apple, nhưng tất cả các chi tiết của iPad, Iphone đều không do Apple sản xuất. Trong khi Apple có giá trị gia tăng 40%/sản phẩm, thì Trung Quốc, nơi sản xuất chỉ được nhận giá trị 5%. Cái quyết định ở đây là giá trị gia tăng, nghiên cứu và triển khai, thương hiệu. Dù linh kiện được sản xuất ở đâu, iPad, Iphone vẫn là của Apple. Vậy nên, dù cho Việt Nam có sản xuất được cục sạc hay ốc vít cho Samsung đi chăng nữa, thế giới vẫn không nhắc đến tên Việt Nam khi nói về sản phẩm này. Tôi rất mong DN vươn lên, đứng đầu trong chuỗi giá trị toàn cầu”.

Tuy nhiên, để đứng đầu chuỗi giá trị toàn cầu thì chúng ta phải đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ, thiết kế, kỹ thuật, quy trình sản xuất, nguồn nhân lực, nguyên vật liệu, tư duy mục tiêu... tương xứng.

Từ đó, chúng ta có thể hiện thực hóa giấc mơ về những sản phẩm đẳng cấp quốc tế làm nên tên tuổi Việt Nam.

Theo Trần Thủy
VEF
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”