TTCK: Các bàn tay dơ hữu hình lấn át bàn tay vô hình

Những hành vi thao túng giá chứng khoán, mua bán chui cổ phiếu… thu lợi lớn nhưng mức phạt lại chỉ như giơ cao đánh khẽ.

Vì thế, tuần nào, nhà đầu tư cũng đọc được thông tin về quyết định xử phạt của uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) nhưng dường như người vi phạm không ngán sợ. Đã vậy, các chiêu mua bán, làm giá ngày càng tinh vi hơn.

 

Từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều cá nhân lãnh đạo và công ty chứng khoán bị bắt và khởi tố. Thị trường chứng khoán rúng động nhưng nhà đầu tư không ngạc nhiên. Bởi từ lâu nay, hầu hết họ ít nhiều đều biết đến khả năng thao túng thị trường của vài bàn tay hữu hình.

 

Phạt nhẹ

 

Một lý do quan trọng khiến các vi phạm và tái phạm trên thị trường chứng khoán ngày càng nhiều, là mức chế tài chưa đủ, xử phạt quá nhẹ.  

 

Dù cuộc thâu tóm Sacombank đã ngã ngũ, thị trường vẫn còn thắc mắc về mức phạt quá nhẹ dành cho hai đơn vị và một cá nhân do vi phạm quy định giao dịch cổ phiếu Sacombank. Tính theo mức giá 22.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm đó, nhóm này đã bỏ ra khoảng 1.200 tỉ đồng để mua vào cổ phiếu ngân hàng này, trở thành cổ đông lớn mà không công bố thông tin. Quy mô vi phạm, xét theo giá trị giao dịch, thuộc loại lớn, mức độ ảnh hưởng không hề nhỏ vì nó đóng vai trò quan trọng tạo nên sự thay đổi trong hội đồng quản trị nhưng mức xử phạt đồng đều ở mức 60 triệu đồng. Có lẽ do mức xử phạt nhẹ như vậy nên ngay sau đó một trong ba thành viên này, ông Trần Phát Minh, tiếp tục vi phạm qua việc bán ra, giảm tỷ lệ sở hữu mà không công bố. Mức phạt lần này nặng hơn một chút, ở mức 70 triệu đồng. Nếu tính lãi suất cho quãng thời gian năm tháng kể từ lúc vi phạm đến khi bị xử phạt, giá trị món tiền đóng phạt còn thấp hơn.

 

Năm 2010, SSC đã xử phạt bà Nguyễn Kim Phượng, cổ đông lớn của công ty cổ phần vật tư và vận tải xi măng (VTV) 170 triệu đồng do “phi vụ” làm giá cổ phiếu. Mức phạt này so với hai trường hợp kể trên xem ra khá nặng. Tuy nhiên, người nộp phạt hẳn thấy vui vẻ bởi số tiền thu về vào khoảng 1,6 tỉ đồng. Nếu xem mức phạt như trên là một án lệ thì nhà đầu tư rõ ràng có động cơ để vi phạm.

 

Trong sáu tháng đầu năm 2012, SSC đã ban hành 67 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là 3,922 tỉ đồng. Tính trung bình, mỗi tuần giao dịch, có ít nhất hai vụ xử phạt.

 

Năm 2011, IFC (phối hợp cùng diễn đàn quản trị công ty toàn cầu và SSC) thực hiện báo cáo Thẻ điểm quản trị công ty 2011, khảo sát 100 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên hai sàn TP.HCM và Hà Nội. Qua đó cho thấy việc quản trị công ty ở Việt Nam hiện ở giai đoạn đầu. Trong lúc chất lượng quản trị chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực không đều, hệ thống kiểm soát, giám sát chưa hoạt động hữu hiệu, thông tin không minh bạch, thì môi trường giám sát chưa hữu hiệu khiến các hành vi trục lợi như một bàn tay hữu hình vô hiệu hoá khả năng của bàn tay vô hình.

 

Không có giám sát độc lập

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một lý do quan trọng khiến các vi phạm và tái phạm trên thị trường chứng khoán ngày càng nhiều, là mức chế tài chưa đủ, xử phạt quá nhẹ. Đơn cử, luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2013 quy định: “Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực chứng khoán, thuế, đo lường, sở hữu trí tuệ… theo quy định tại các luật tương ứng”. Có nghĩa là, mức phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán vẫn ở mức hiện hành 500 triệu đồng, mức phạt được áp dụng cách đây nhiều năm. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, chánh thanh tra SSC có quyền phạt tiền tối đa đến 70 triệu đồng, nhưng theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính, đã giảm xuống còn 50 triệu đồng.

 

Ông Alan Phan, chủ tịch quỹ đầu tư Viasa, cho rằng, khi tác nhân tham gia thị trường gian lận trong một thời gian dài sẽ khiến tính minh bạch của thị trường càng yếu trong khi cơ chế giám sát còn yếu kém.

 

“Trên thế giới, tình trạng thao túng làm giá vẫn diễn ra, song họ có những chế tài nghiêm khắc. Còn tại Việt Nam, không phải gần đây, mà tình trạng thao túng, làm giá chứng khoán đã diễn ra từ lâu, nhưng chế tài như giơ cao đánh khẽ chẳng làm cho người chơi ngán sợ”, ông nói.

 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, một lý do khiến thị trường bị thao túng là biện pháp chế tài không cụ thể, không nghiêm khắc. Quan trọng hơn, hoạt động thanh tra giám sát đã bị hạn chế, cơ quan thanh tra không độc lập, khi SSC vừa là quản lý, vừa là người cấp phép, lại vừa người thổi còi, nên các sự vụ gian lận được phát hiện mới còn lẻ tẻ, đầy tính chất xin cho.

 

Ông Alan ví von, giống như việc vượt đèn đỏ, người đi đường thấy việc vượt đèn đỏ để đến đúng giờ một cuộc hẹn làm ăn có lợi nhiều hơn thiệt hại vài trăm ngàn nếu bị công an phạt.

 

Theo Hồng Sương

SGTT