Sai phạm ở một số công ty chứng khoán: Bộc lộ những mắt xích yếu
Chưa bao giờ thị trường có thể đến gần những hành vi gian lận của một số công ty chứng khoán như trong thời gian gần đây.
Công ty chứng khoán làm giá chính cổ phiếu của mình, tạo dòng tiền ảo, cho người thân quen vay ưu đãi và khách hàng vay mua cổ phiếu, sử dụng tiền nhà đầu tư sai mục đích, không xử lý bán cổ phiếu khi giá trị cổ phiếu giảm gây thiệt hại cho công ty, mua bán sai luật…
Với hàng loạt những vụ việc sai phạm dẫn đến khởi tố hình sự các công ty chứng khoán và lãnh đạo các công ty này, thị trường ngày càng nghi ngờ về quy trình quản trị rủi ro tại các công ty chứng khoán.
Từ đầu tháng 8 đến nay, khá nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán bị bắt sau khi bị cáo buộc thao túng làm giá chứng khoán, mua bán sai luật… Tuần qua, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần chứng khoán Cao su (RUBSE) bị bắt tạm giam vì hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, khi còn là tổng giám đốc công ty tài chính TNHH một thành viên cao su Việt Nam (RFC). Trước đó, nguyên tổng giám đốc chứng khoán Liên Việt, chủ tịch chứng khoán SME cũng đã bị bắt tạm giam liên quan đến những hành vi sai phạm về tài chính. Hiện RUBSE, SME đều bị uỷ ban Chứng khoán đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Nạn thao túng giá
Mới đây, công ty chứng khoán Sacombank bị khởi tố vì thao túng giá, khiến cho nhà đầu tư thêm băn khoăn. Dựa theo tài liệu do cổ đông của công ty chứng khoán Sacombank (SBS) cung cấp, các cổ phiếu SBS, SCR, DLG và Toàn Thịnh Phát bị làm giá.
Cuối quý 3/2010, theo kế hoạch tự doanh của khối môi giới, ba sản phẩm được thử nghiệm trong ba tháng là Blocktrade, Trading desk và Trade cùng khách hàng. Theo đó, sản phẩm đầu là tìm các giao dịch có giá rẻ về bán lại cho khách hàng, thu lợi nhuận về cho công ty, cụ thể là cổ phiếu Toàn Thịnh Phát trên thị trường OTC. Kế đó là Trading desk (mua bán chứng khoán trên sàn) nhằm tạo tính thanh khoản và gia tăng giá trị giao dịch cho cổ phiếu SBS và SCR. Thứ ba là Trade cùng khách hàng, cùng thực hiện với khách hàng tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu DLG. Do đó, họ phải mở thêm các tài khoản ở các công ty chứng khoán khác để phối hợp thực hiện giao dịch, tạo tính thanh khoản.
Theo báo cáo kết quả tự doanh môi giới thì vào thời điểm tháng 12/2010, SBS đã ghi nhận hơn 75,4 tỉ đồng lãi từ các hoạt động này. Tuy nhiên, sau năm tháng của năm 2011, hầu hết các sản phẩm không có lãi, SBS lỗ 18,5 tỉ đồng đối với sản phẩm Trading desk, còn sản phẩm Trade cùng khách hàng lãi 5,5 tỉ đồng. Với thủ thuật giao dịch như vậy, các nhà đầu tư khác luôn thấy nhóm cổ phiếu kể trên có thanh khoản, hoặc có một nguồn lực nào đó đang thu gom cổ phiếu.
Ông Trần Du Lịch, trong lần đi thực tế một số công ty chứng khoán vào năm 2010 nhằm phục vụ cho quá trình thẩm tra luật Chứng khoán sửa đổi, đã nhìn nhận, tình trạng thao túng giá chứng khoán gây lũng đoạn thị trường đang là “căn bệnh” nguy hiểm nhất của thị trường chứng khoán.
“Sự lạm dụng, thao túng của một số môi giới, công ty chứng khoán, công ty niêm yết trong thời gian dài đã khiến thị trường méo mó nặng nề”, ông Alan Phan, chủ tịch quỹ đầu tư Viasa, nói.
Những nhà đầu tư đàng hoàng rời đi, thị trường mất thanh khoản, và mất lòng tin. “Thị trường chứng khoán là một phần của thị trường tài chính – tiền tệ, nếu mắt xích này lỏng, những mắt xích khác chắc chắn cũng có vấn đề”, theo ông Alan Phan.
Quản trị rủi ro: có để làm màu
Từ ngày 1/4 đến nay, uỷ ban Chứng khoán đã đưa bảy công ty chứng khoán vào diện kiểm soát đặc biệt, cũng như đã yêu cầu giải trình, báo cáo toàn bộ hoạt động công ty và xây dựng phương án khắc phục về tình hình tài chính.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, vụ trưởng vụ Quản lý kinh doanh (uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) trên Thời báo kinh tế Việt Nam số ra ngày 13/8, thì kết quả kiểm tra sơ bộ của uỷ ban Chứng khoán cho thấy quản trị tại các công ty chứng khoán có sai phạm bị phát hiện như: HASC, SME… rất kém, tình hình tài chính xấu. Quản trị công ty kém dẫn tới tình trạng người điều hành thao túng hoạt động công ty.
Ở SBS, cổ đông cho rằng có sự đối đãi đặc biệt với khách hàng VIP. Cùng chính sách cho vay thế chấp bằng cổ phiếu, khi giá xuống tới ngưỡng nhất định, hoặc khách hàng nộp thêm tiền cho công ty, hoặc công ty được quyền bán để thu hồi vốn, tuy nhiên, có không ít khách hàng được quyền miễn trừ do chế độ khách hàng VIP. Cũng có khách hàng ôm nợ, song người quản lý đề xuất cho miễn giảm lãi suất. Nếu thực tế diễn ra đúng với những gì cổ đông cáo buộc, thì người điều hành đã bỏ qua các quy tắc về quản trị rủi ro trong nghiệp vụ cho vay có thế chấp bằng cổ phiếu.
Khi ông Hoàng Xuân Quyến, nguyên tổng giám đốc công ty chứng khoán Liên Việt, bị bắt vì tội lạm dụng quyền hạn, lãnh đạo công ty thừa nhận vị tổng giám đốc này đã thực hiện nghiệp vụ cho thế chấp một cổ phiếu chưa niêm yết mà không được phép của hội đồng quản trị. Điều này cho thấy có lỗ hổng trong quản lý, giám sát hoạt động.
Với những điểm mù trong điều hành và công bố thông tin của một số công ty chứng khoán, cổ đông cũng như nhà đầu tư nói chung luôn đặt dấu hỏi về chất lượng của hàng hoá niêm yết trên sàn chứng khoán. Có lẽ vì lẽ đó xuất hiện ý kiến nghi ngờ lãnh đạo SBS đã giấu lỗ trong những năm qua. Năm 2011, SBS công bố lỗ 788 tỉ, trong khi một năm trước, họ lãi 101 tỉ đồng.
SGTT