TS.Lê Xuân Nghĩa: "Tôi từng không có niềm tin vào việc thành lập Ngân hàng Chính sách"
(Dân trí) - TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, ông đã từng không có niềm tin với việc thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội, bởi nhìn vào nợ xấu thời điểm đó rất kinh hãi với trên 40%, nếu phát triển thành một ngân hàng không biết sẽ như thế nào.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng nay (9/11), TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết: Thời điểm khi ông làm tại Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN), ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu triển khai mô hình Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).
Ông và các cộng sự đã đi khảo sát và thực tế thời điểm đó, không tin NHCSXH nếu được thành lập sẽ thành công trong dài hạn. Bởi nhìn vào nợ xấu thời điểm đó rất kinh hãi với trên 40%, nếu phát triển thành một ngân hàng không biết sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, với chỉ đạo của Chính phủ bằng mọi giá phải xây dựng NHCSXH, ông và các cộng sự vừa nghiên cứu xây dựng đề án vừa run, bởi không có niềm tin.
“Còn đến thời điểm hiện nay, nhìn vào con số nợ xấu thấp của NHCSXH so với thời điểm kinh hoàng trước đây có thể nói quá tuyệt vời”, TS. Nghĩa nhận xét.
Dữ liệu tại cuộc họp cho thấy, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng, ngành ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn có sự tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25,82%. Sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2001-2005 từ 17% xuống 7%, thời kỳ 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%, thời kỳ 2011-2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%.
Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn tự huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các chương trình.
Đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ là 13.944 tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ.
An Hạ