1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

TS Vũ Tiến Lộc: Ba vấn đề lớn nhất với doanh nghiệp là "vốn, vốn và vốn"

(Dân trí) - Chủ tịch VCCI cho rằng, nếu như cách đây 30 năm các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều nói rằng vốn là yếu tố quan trọng và cũng chính là trở ngại thì hiện giờ, bức tranh cũng không khác nhiều.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Phát biểu tại Diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)" do Báo DĐDN tổ chức sáng nay (7/8), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, đến thời điểm này, 670.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đến 98-99% la DNNVV.

Nếu tính cả trên 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể thì DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đạt gần 6 triệu đơn vị. Như vậy tuyệt đại bộ phận là DNNVV và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trong số gần 6 triệu đơn vị này thì chỉ có 2 triệu có đăng ký, gồm 1,3 triệu đơn vị và hơn 600.000 doanh nghiệp có đăng ký. Còn lại hoạt động trong khu vực không chính thức mà phi chính thức ít inh bạch và phi minh bạch. Ngay trong 2 triệu đơn vị có đăng ký này thì sự minh bạch trong quản trị cũng luôn là điểm yếu với rất nhiều doanh nghiệp.

Ông Lộc cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện ra ba vấn đề lớn nhất cho sự phát triển của DNNVV ở Việt Nam, thứ nhất là vốn, thứ hai là vốn và thứ ba là vốn".

"Các DNNVV đều nói rằng vốn là một yếu tố quan trọng và cũng chính là trở ngại chính cho DNNVV. Đó là thời điểm cách đây 30 năm và đến giờ, bức tranh cũng không khác nhiều mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã có nhiều thay đổi”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Theo ông Lộc, Việt Nam mặc dù được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, cùng với đó, năm 2017, DNNVV cũng chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn.

"Đây là con số lớn và đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần là những người trẻ, sinh viên, họ không có tài sản, mà chỉ có ý tưởng kinh doanh, những đối tượng này rất cần bệ đỡ nguồn vốn từ hệ thống các ngân hàng", ông nói.

Theo Chủ tịch VCCI, để 60% DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, trách nhiệm thuộc về cả Nhà nước, các nhà băng và bản thân các doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI cho rằng, sự thiếu minh bạch khó tạo niềm tin mà tín dụng chính là niềm tin, cộng thêm thiếu tài sản thế chấp và dự án kinh doanh thiếu khả thi là những nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng “nói không” với DNNVV.

Bởi trách nhiệm thuộc về ba nhà nên TS Vũ Tiến Lộc khẳng định giải pháp khơi thông cũng là trách nhiệm của các ba nhà. Một mặt, thể chế, nút thắt trong hoạt động của các định chế tài chính và doanh nghiệp cần cùng lúc được tháo gỡ và thúc đẩy.

“Để làm được, cần khắc phục những tồn tại vừa được nhắc tới. Trong đó, Nhà nước cần cải cách mạnh mẽ hơn về khuôn khổ chính sách và pháp luật, tạo điều kiện cho vay trong thời đại 4.0, thúc đẩy khởi nghiệp. Đồng thời có chính sách thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức tài chính”, TS Vũ Tiến Lộc kiến nghị.

Về các nhà băng, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra phương thức cho vay mới, những gói cho vay hướng đầu tư mạnh cho khởi nghiệp, cho nông nghiệp căn cứ vào ý tưởng và phương án kinh doanh.

Phương Dung

TS Vũ Tiến Lộc: Ba vấn đề lớn nhất với doanh nghiệp là "vốn, vốn và vốn" - 2