TS Võ Trí Thành: Đặc khu là nơi “kiếm tiền” hay “phòng thí nghiệm thể chế”?

(Dân trí) - "Tôi có cảm tưởng, chúng ta đang vẫn còn ôm đồm về chính sách, chưa xác định được đặc khu là nơi kiếm tiền hay nơi thử nghiệm thể chế nên ảnh hưởng đến xây dựng chính sách và quy hoạch".

Đây là quan điểm của TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo Chính sách phát triển kinh tế xã hội tại Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt (Đặc khu) được tổ chức sáng nay (3/11) tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, một số chính sách về đất đai và cơ chế thanh toán tại Đặc khu cần vượt khỏi các chính sách pháp luật hiện hành.
Theo các chuyên gia, một số chính sách về đất đai và cơ chế thanh toán tại Đặc khu cần vượt khỏi các chính sách pháp luật hiện hành.

Cùng ông Thành, nhiều chuyên gia cho rằng xây dựng cơ chế cho Đặc khu cần cái nhìn rộng hơn, thoáng hơn để cạnh tranh với quốc tế.

Theo ông Thành, mô hình đặc khu kinh tế hiện nay không còn mới trên thế giới, có thể nó mới đối với Việt Nam nhưng các chính sách cho đặc khu cần vượt ra ngoài các ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

"Tôi có cảm tưởng, chúng ta đang vẫn còn ôm đồm về chính sách, chưa xác định được Đặc khu là nơi kiếm tiền hay nơi thử nghiệm thể chế nên ảnh hưởng đến xây dựng chính sách và quy hoạch", ông Thành nói.

Ông Thành ví dụ: Tại sao Trung Quốc xây dựng Đặc khu Thượng Hải, Thâm Quyến rất thành công. Hiện nay nước này còn có thêm nhiều đặc khu con trong các đặc khu nữa, đây là nơi thể hiện thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới.

Chính sách về đặc khu, các nước đã phát triển mô hình này trong nhiều năm vẫn đang thí điểm nhiều cơ chế mới nên chúng ta không thể né được các cơ chế mở. Chúng ta nên chấp nhận các trò chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát được.

Góp ý vào cơ chế chính sách đối với đất đai tại Đặc khu kinh tế, GS, TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị: Nhà nước thu hồi đất của dân thì cần theo đấu giá, cơ chế thị trường.

GS Võ cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, tác động đối với quá trình xây dựng cơ sở vật chất, chính sách huy động vốn nước ngoài và sử dụng đúng các nguồn lực trong nước.

Ông Võ nói: "Có hai điểm mà tôi kiến nghị chính sách về Đặc khu Việt Nam cần vượt lên đó là cơ chế thế chấp và quy định đấu giá đất thu hồi".

Cụ thể, theo ông Võ, chúng ta cho phép người Việt Nam có đất được thế chấp đất đó để vay vốn ở các tổ chức tín dụng nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta chưa nêu và cho phép người nước ngoài có sở hữu đất đai, người có quyền sử dụng đất được quyền thế chấp, vay vốn tại tổ chức tín dụng nước ngoài. Như thế là chính sách chưa bình đẳng, đồng đều.

Ông này nói: Chỉ khi pháp luật công bằng thì nhà đầu tư và người nước ngoài mới bình đẳng trong đầu tư vốn vào phát triển đặc khu.

Bên cạnh đó, ông Võ cho biết Việt Nam đưa ra nhiều chính sách miễn giảm thuế nhưng không phải tất cả giảm thì đã là tốt.

"Quan điểm tôi là sử dụng đất phải trả tiền, nếu sử dụng đất không mất tiền thì mất khả năng cạnh tranh, sử dụng đất không hiệu quả. Chúng ta có thể giảm thuế, cho thuê đất nhưng không phải tất cả giảm là tốt", ông Võ nói.

Nguyễn Tuyền