TS. Trần Du Lịch: Ngân hàng Nhà nước phải đi "đánh du kích"

(Dân trí) - Đánh giá về sáng kiến xử lý nợ xấu theo kiểu “tay không bắt giặc” khi thành lập VAMC, TS.Trần Du Lịch cho rằng, “đây là làm cách của riêng Việt Nam, không đánh chính quy được thì phải đánh du kích. Và Ngân hàng Nhà nước phải chịu đi đánh du kích”.

Giải một phương trình với nhiều ẩn số

Chia sẻ tại hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” diễn ra sáng nay 23/10, TS.Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, 4 năm qua, tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bất ổn vĩ mô, nguy cơ lạm phát phi mã.

Thời điểm ấy, chúng ta đang thực hiện theo Nghị quyết 11 của Chính phủ là siết chặt công chi, tín dụng; giảm tổng cầu để chống lạm phát. Đó là một bối cảnh thực hiện chính sách tài chính tiền tệ ưu tiên chống lạm phát.

Năm 2012, tín dụng giảm; tác dụng của các biện pháp kiềm chế lạm phát làm cho tổng cầu giảm, tình trạng kinh tế bắt đầu giảm tốc độ tăng trưởng. Khi ấy, sức mua thị trường giảm, doanh nghiệp giảm sản xuất, nhiều doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ đáo hạn. Giữa năm 2012, tình trạng nợ xấu xuất hiện rất mạnh, rất nhanh.

 


TS.Trần Du Lịch: Ngành ngân hàng đã phải giải một phương trình với nhiều ẩn số mâu thuẫn nhau, giống như không có tiền nhưng phải đi bằng máy bay để kịp thời gian

TS.Trần Du Lịch: Ngành ngân hàng đã phải giải một phương trình với nhiều ẩn số mâu thuẫn nhau, giống như không có tiền nhưng phải đi bằng máy bay để kịp thời gian

 

“Nền kinh tế rơi vào luẩn quẩn. Tái cấu trúc tổ chức tín dụng trong tình thế phải giải quyết một phương trình quá nhiều ẩn số, mà những ẩn số mâu thuẫn nhau: vừa phải chống lạm phát, vừa phải hạ lãi suất, vừa phải tăng tín dụng, vừa phải giảm nợ xấu, vừa phải ổn định tỷ giá VND”, ông Lịch cho biết.

Do đó, “vấn đề tái cấu trúc ngân hàng là bài toán phải thực hiện đồng thời nhiệm vụ chống lạm phát, hạ lãi suất, giảm nợ xấu, lại phải tăng tín dụng, ổn định tỷ giá VND. Ngành ngân hàng đã phải giải một phương trình với nhiều ẩn số mâu thuẫn nhau, giống như không có tiền nhưng phải đi bằng máy bay để kịp thời gian”, ông bình luận.

Ông Lịch cũng đánh giá, nếu ngân hàng không tiếp tục cho doanh nghiệp vay thì không cứu họ được. Doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng mất tiền. Mối quan hệ doanh nghiệp và ngân hàng là mối quan hệ cùng thành, cùng bại.

Từ tháng 7/2012, mô hình “nối kết doanh nghiệp” được triển khai tại TP.HCM. Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cùng ngồi lại để giải quyết từng trường hợp xử lý cấp tín dụng cho những doanh nghiệp mà theo tiêu chuẩn nợ xấu không thể vay được.

“Tôi cho rằng đây là làm cách của riêng Việt Nam, không đánh chính quy được thì phải đánh du kích. Và Ngân hàng Nhà nước phải chịu đi đánh du kích”, ông Lịch nhấn mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra sáng kiến xử lý theo kiểu "tay không bắt giặc" khi thành lập Công ty mua bán nợ VAMC nhằm giải quyết nợ xấu bằng cơ chế, chứ không giải quyết bằng nguồn lực vật chất là "tiền tươi thóc thật".

Theo chia sẻ của ông Lịch, thời điểm ấy, tại TPHCM, 33% doanh nghiệp vẫn làm ăn tốt, đóng được thuế, vẫn được vay ngân hàng với mức lãi suất bình thường. 33% các doanh nghiệp đang đợi vay ngân hàng. Còn lại doanh nghiệp mà theo tiêu chuẩn nợ xấu không thể vay được.

Kiến nghị giảm lãi suất cho vay về 7%/năm

Với chương trình “kết nối doanh nghiệp”, sau hơn 3 năm thực hiện, hơn 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM được hưởng ưu đãi vay tín dụng. Số tiền vay lũy kế lên đến vài trăm ngàn tỷ đồng. Quan trọng là các doanh nghiệp này đều không vướng nợ xấu mới.

“Tổ chức tín dụng vừa giải quyết được nợ xấu cũ, vừa thu được nợ mới đúng hạn. Đây là điểm khá đặc biệt để cho thấy trong quản lý kinh tế “mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chính cây đời mới mãi mãi xanh tươi”. Sáng tạo “đánh du kích” đã giải quyết vấn đề”, ông Lịch đánh giá.

Tuy nhiên, ông Lịch cũng nhấn mạnh phần lớn nợ xấu được loại bỏ khỏi bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng sau khi bán cho Công ty mua bán nợ VAMC. Chúng ta đã tạm gói được cái cũ, để tạo ra cái mới. Nhưng nếu không giải quyết ngay, gói tài sản này bất động vài năm lại quay lại thương mại, cái cũ trở về, tình hình sẽ phức tạp.

Qua số liệu đến hết tháng 9/2015, tăng trưởng kinh tế đạt yêu cầu đề ra, đóng góp nội địa tăng 6,5% (mục tiêu là 6,2%), CPI đạt 0,6%, tín dụng đạt trên 10%, tỉ lệ nợ xấu giảm xuống mức 2,9%. Ngân hàng Nhà nước đã đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu ổn định vĩ mô.

Từ đó có thể thấy, mối quan hệ giữa ngân hang và doanh nghiệp là “mối quan hệ đồng hành, đồng trách nhiệm. Tôi có lợi, anh có lợi, tức là cùng thắng hoặc cùng bại, không có người thắng, người bại”.

Và theo ông Lịch nhận định: “Lượng tín dụng tăng được như hiện nay, chúng ta có một tín hiệu để hi vọng quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trở lại một cách bình thường vào năm 2016, chứ không tiếp tục “đi đánh du kích” mãi nữa”.

Cũng theo vị đại biểu này, hiện nay, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp lớn nhất là vấn đề lãi suất. Do đó, ông Lịch kiến nghị “Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh hiện nay, từ đầu năm 2016 có thể giảm lãi suất được không? Với lạm phát dưới 2% mà phải vay trung dài dạn 9 - 10% thì liệu có thể giảm khoảng 2% xuống 7% được không?”

Nguyễn Hiền

 

TS. Trần Du Lịch: Ngân hàng Nhà nước phải đi "đánh du kích" - 2