TS Nguyễn Sỹ Dũng: Cần loại bỏ kiểu kinh doanh dựa lưng chính quyền để tư lợi

(Dân trí) - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ những trăn trở của ông về thực trạng nền hành chính liên quan đến quản trị kinh tế của Việt Nam hiện nay và những thách thức đặt ra cho thay đổi quản trị kinh tế trong thời đại mới.

Tại Hội thảo Quốc tế về Quản trị Kinh tế hướng tới một Nhà nước kiến tạo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng nay (13/6) tại Hà Nội, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra những bất cập về điều hành kinh tế, quản trị công, cơ chế, hành chính Nhà nước trong điều hành kinh tế.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Theo TS Dũng, nền pháp trị ở Việt Nam đang vướng trong vấn đề trở ngại về quyền, đó là quyền tự do tài sản, quyền tự do kinh doanh và quyền tự do về Luật pháp.

Về quyền tự do kinh doanh, bây giờ các Bộ ngành đẻ ra rất nhiều giấy phép con, điều kiện kinh doanh, Chính phủ và Quốc hội đang phải thẩm định rất nhiều để sàng lọc các điều kiện kinh doanh này để không cản, cấm doanh nghiệp (DN), người dân.

Ông Dũng cho rằng: Chính phủ đang nhấn mạnh và hướng đến tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho toàn xã hội, nhưng quan trọng nhất hiện nay là chi phí thực thi pháp luật hiện nay là quá lớn nhưng không thể giải quyết được.

Ông Dũng nêu ví dụ như: Giải quyết tranh chấp hiện nay thông qua hệ thống pháp luật, nhưng năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam rất hạn chế. Đầu tiên là vai trò của tòa án, tòa án Việt Nam không có chức năng giải thích Luật để người ta hiểu vấn đề, đa số hiện nay vẫn áp đặt.

"Chúng ta không có nền hành chính công vụ hiệu năng, động lực và pháp lý độc lập với chính trị. Chúng ta không độc lập về pháp luật, nên chúng ta không thể xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Ở các nước, cơ quan pháp luật có thể khởi tố cả bộ trưởng Bộ Tài chính nếu phát hiện vi phạm", TS Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Ông Dũng chia sẻ thêm, cản trở thực thi Nhà nước kiến tạo còn do vướng mắc dẫm chân nhau trong chuyện phân quyền giữa trung ương và địa phương. Hiện nay, phân quyền hết sức chồng chéo, từ cấp xã, huyện, tỉnh đến trung ương đâu cũng nói đến tuân thủ theo Hiến pháp nhưng trách nhiệm cuối cùng là chưa rõ, nên chưa quy trách nhiệm được.

Trở ngại về pháp luật cũng khiến bất bình đẳng trong kinh doanh đang gia tăng, ông Dũng khẳng định: Phải bảo đảm DN tư nhân, Nhà nước công bằng để phát triển, công bằng nhất là các DN phải được đối xử công bằng như nhau, được phân bổ nguồn lực như nhau hoặc không tạo ra rào cản ưu đãi nào đó nhằm cản trở, khu biệt DN.

"Bao trùm tất cả trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam là chủ nghĩa tư bản thân hữu, đó là vấn đề rất lớn của nền kinh tế. Ở Việt Nam, kinh doanh có quan hệ với chính quyền mới thành công. Chúng ta phải làm thế nào để cắt sợi dây này đi, làm thế nào để không còn và không lợi dụng thân hữu để kinh doanh và vụ lợi", TS Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền