TS. Nguyễn Đức Thành: Bình ổn giá vàng thì gay lắm...

“Bình ổn giá chắc chắn không phải là mục tiêu ưu tiên. Vàng trở thành tài sản, chứ không như mấy chục năm qua, có sự nhập nhèm giữa tiền tệ và tài sản. Khi vàng đã có một thị trường thực sự rồi thì chuyện bình ổn hay không chỉ là những tình huống đặc biệt thôi”.

TS Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

​Giá vàng Việt Nam sẽ có lúc thấp hơn thế giới

Trong thời gian gần đây, giá vàng trong nước có sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua. Ông có nhận xét gì về diễn biến này của thị trường?

Giá vàng trong nước chịu nhiều tác động, trong đó tác động lõi là giá vàng thế giới. Hiện nay, khi giá vàng thế giới giảm thì giá vàng trong nước cũng giảm xuống, theo xu hướng chung.

Vì sao giá vàng thế giới giảm thì cũng khá dễ hiểu. Khi kinh tế thế giới có những dấu hiệu tốt hơn, mặc dù không phải là vững chắc và được như mong muốn, nhưng niềm tin vào kinh tế Mỹ, đặc biệt là khi Mỹ đủ tự tin để dừng một số gói kích thích thì đồng đô la mạnh trở lại, và tự nhiên người ta sẽ rút khỏi nơi trú ẩn là vàng. Vàng như một cái hầm trú ẩn của thời kỳ khó khăn, khủng hoảng nên khi trời bắt đầu hết giông bão rồi (mặc dù chưa biết là bao giờ sẽ tiếp tục có bão quay trở lại) thì các nhà đầu cơ lớn nhất thế giới và người dân sẽ bán vàng ra. Đấy là chuyện rất bình thường. Và cũng là lý do vì sao giá vàng Việt Nam đi theo giá vàng thế giới và có sự sụt giảm.

Ngoài ra còn có yếu tố nữa là chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới. Nếu chênh lệch này thu hẹp lại thì giá vàng Việt Nam sẽ tiếp tục hạ và còn hạ nhanh hơn tốc độ hiện nay nữa. Yếu tố chênh lệch này phụ thuộc vào chính sách vàng hiện nay, liên quan đến việc tất toán trạng thái vàng ngày 30/6. Lúc đó, nếu thực sự các ngân hàng đã hoàn thành đóng trạng thái và họ nghiêm túc thực hiện Nghị định 24, không huy động vàng và cho vay bằng vàng nữa thì nhu cầu về vàng của các ngân hàng để tất toán cho dân không còn nữa. Khi đó, nhu cầu về vàng trong nước chỉ còn là do người dân, doanh nghiệp hay bất cứ ai muốn mua để tích trữ thôi. Tức là đã tạo dựng thị trường vàng với tư cách tài sản.

Thử đoán xem xu thế chung sẽ như thế nào? Ai cũng mang vàng từ ngân hàng về hết rồi, vì ngân hàng mua hàng chục tấn vàng là để trả cho người dân gửi vàng thôi chứ ngân hàng không giữ. Cộng với việc giá vàng trong nước đang đi xuống thì họ sẽ bán vàng ra. Hoặc cũng có người không bán, cắn răng đợi giá vàng lên nhưng khuynh hướng bán chắc chắn sẽ là chủ đạo. Từ đó sẽ đóng góp một lượng cung lớn sau ngày 30/6, còn lượng cầu sẽ giảm đi, làm cho giá vàng trong nước tiếp tục giảm nữa. Và theo tôi, sẽ có thời điểm giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng thế giới.

Theo phán đoán của ông, thời điểm đó sẽ xảy ra vào lúc nào?

Cái đó thì không nói chính xác được, nhưng tôi điều này không phải là không có tiền lệ, vì trong lịch sử gần đây thôi đã từng có lúc giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới.

Đấy là chuyện bình thường, vì khi thiếu thì chúng ta đã nhập hàng chục tấn để ổn định thị trường, và khi đã ổn định hoặc dự thừa thì lại xuất khẩu đi. Mặc dù ở Việt Nam, khuynh hướng xuất khẩu không nhiều bằng nhập khẩu, vì người dân hay cất trữ vàng. Nhưng điều quan trọng khi Nghị định 24 đã đi vào đời sống, thị trường tài chính đã ổn định thì thị trường vàng chắc chắn sẽ rất khác so với trước đây. Đó mới là điều quan trọng. Và người chơi, người nắm giữ vàng sẽ phải rất hiểu biết mới được.

Điểm khác ở đây là vàng chỉ còn nằm trong dân, nằm trong đơn vị kinh doanh vàng như là một tài sản thôi. Lúc đó vàng sẽ giống như chứng khoán, như bất động sản, sẽ phải cân nhắc kỹ để biết giữ bao nhiêu là lợi nhất, chứ không phải cứ ôm càng nhiều càng tốt. Bản thân giá vàng sẽ từ từ hạ, hoặc trong tương lai dài cũng chẳng thấy nó tăng hoặc tăng rất ít, thì lúc đó, người ta sẽ tính toán việc giữ vàng theo lãi suất của tiền Việt gửi trong ngân hàng.

NHNN sẽ sử dụng chính sách lãi suất để điều tiết lượng vàng trong dân. Có thể là tăng lãi suất lên để người dân bán vàng ra rồi gửi tiền Việt lấy lãi, hoặc khi hạ suất thì người dân rút tiền ra mua vàng, cất trữ vàng... Lãi suất sẽ có vai trò như cái bơm thủy lực điều tiết giá trị, khối lượng giao dịch vàng. Đó chính là điều mà Nghị định 24 nhắm tới.

Mục tiêu cuối cùng của cuộc chơi này là như vậy. Thế nhưng trong thời gian qua, mỗi khi đi một nước cờ trong cuộc chơi này, NHNN đều bị phê phán, chỉ trích tứ phía. Những họ vẫn quyết tâm đi đến mục tiêu cuối cùng, vì hiểu rằng đa số không hiểu hết cuộc chơi, nên dù có phê phán hay chỉ trích thì cũng không chính xác.

TS. Nguyễn Đức Thành: Bình ổn giá vàng thì gay lắm...
TS Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Cuộc chơi kiến tạo thị trường vàng

Đã rất nhiều lần, NHNN khẳng định chỉ bình ổn thị trường, không bình ổn giá vàng. Tuy nhiên thực tế hiện nay, giá vàng trong nước đang trong đà lao dốc theo xu hướng chung của thế giới, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, gây ra một sự xáo động lớn trong thị trường. Điển hình là người dân ồ ạt xếp hàng đi mua vàng tranh thủ lúc đang rẻ. Ông đánh giá thế nào về diễn biến này?

Trong cuộc chơi này, mục đích của NHNN là kiến tạo thị trường trước, tức là tạo ra một thị trường vàng mới, thông qua đó có thể bình ổn thị trường bằng các công cụ chính sách khi thực sự cần thiết.

Bình ổn giá chắc chắn không phải là mục tiêu ưu tiên. Vàng trở thành tài sản, chứ không như mấy chục năm qua, có sự nhập nhèm giữa tiền tệ và tài sản. Khi vàng đã có một thị trường thực sự rồi thì chuyện bình ổn hay không chỉ là những tình huống đặc biệt thôi. Bình ổn là khi thị trường thực sự mất cân bằng, NHNN bơm một lượng vàng lớn ra hay rút một lượng vàng lớn về... Nhưng điều đó sẽ không diễn ra thường xuyên đâu, và tôi ủng hộ việc hạn chế can thiệp.

Giá vàng lên xuống tùy theo tương quan cung cầu trong nước thì cứ kệ nó thôi. Nếu bình ổn giá vàng thì gay lắm, vì giá vàng thế giới lên xuống thất thường là do tình hình kinh thế-tài chính của thế giới, do hành động của giới đầu cơ thế giới, v.v… rất phức tạp. Nếu ta bình ổn giá thì đúng là người dân có vẻ được lợi, nhưng thực ra NHNN sẽ phải gánh chịu mọi sự thất thường của thị trường thế giới cũng như trong nước. Không nên làm như vậy. Cứ để những người trong cuộc tự chịu trách nhiệm với chính hành động của mình thôi.

Người dân mình thấy giá vàng tăng thì sợ nó tăng nữa, nên đi mua vàng. Bây giờ nó xuống thì nghĩ nó rẻ nên sẽ lên, cũng lại đi mua vàng. Tôi không thể hiểu hết được tâm lý này. Vàng chỉ là một loại tài sản tài chính chứ không phải là tài sản thần thánh, và chúng ta cần hiểu rõ bản chất vận động của thị trường để quyết định mua ra hay bán vào.

Hiện nay, có nhiều điều kiện để hợp thức hóa nếu nhập lậu được vàng. Chẳng hạn như mua vàng trang sức ở nước ngoài, sau đó về gia cộng lại, biến thành vàng chính chủ.... Theo ông, cần phải quản lý vấn đề này như thế nào?

Động cơ để nhập lậu bây giờ không cao như trước đây nữa, nhập lậu về cũng không làm được gì ngoài gia công vàng trang sức. Nhưng vàng nguyên liệu hiện có thuế nhập khẩu rất thập hoặc bằng 0, thì việc gì phải nhập lậu. Còn nhập về để đúc thành vàng thỏi, vàng SJC thì không có nhu cầu, vì NHNN độc quyền đúc loại vàng đó rồi. Còn nếu có việc làm giả để tung ra thị trường thì theo tôi cũng không nhiều, và rất rủi ro. Cứ nhìn vào thị trường thì biết, hiện lượng vàng nhập lậu thấp hơn trước nhiều rồi.

Có ý kiến cho rằng: "Việc Nhà nước mua và bán vàng theo đấu thầu cũng giống như Ngân hàng Trung ương với tư cách là “người cho vay cuối cùng”. NHNN can thiệp thị trường là ở chỗ đấy. Còn thị trường mua bán “thoải mái”. Khi thấy xáo động thì NHNN có thể bán ra, mua vào theo con mắt đánh giá của mình. So sánh có thể khập khễnh, song cũng như cung tiền đồng, nhiều quá thì NHNN thu về, ít quá thì NHNN bơm ra".

Như vậy, đồng tiền tương đương với một lượng vàng trong dự trữ của NHNN. Vậy, liệu đây có phải là kim bản vị vàng không? Nếu không thì thực tế nó là cái gì, thưa ông?

Không, chính sách tiền tệ của chúng ta không liên quan đến chế độ kim bản vị. Thị trường vàng sẽ vận hành như thị trường hàng hóa, thị trường tài sản. Vàng là một tài sản rất quý, nhưng nó được mua bán tự do trên thị trường.

Tức là nó sẽ trở thành một thứ tài sản nằm trong dân, nằm trong đơn vị kinh doanh vàng chứ không phải là tiền tệ. Lúc đó nó sẽ giống như chứng khoán, như bất động sản, người dân, những nhà đầu tư sẽ phải cân đối việc giữ bao nhiêu có lợi cho họ nhất. Chứ không hề có chuyện liên quan đến kim bản vị như vừa đề cập.

Theo đánh giá của ông, giá vàng sau ngày 30/6 liệu có xuống nữa không?

Tôi cho rằng giá chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ thu hẹp lại, nghĩa là giá vàng trong nước hạ so với mức hiện nay. Thêm vào đó, nếu giá vàng thế giới lại vẫn xuống nữa thì giá vàng trong nước càng xuống sâu hơn. Đó là diễn biến sẽ xảy ra sau 30/6.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo Duyên Duyên
Đất Việt