1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp lo “trên cởi, dưới thắt” khi sửa chính sách

(Dân trí) - Chính sách của Việt Nam đang tồn tại sự thiếu nhất quán, mâu thuẫn giữa các bộ, ngành và địa phương. Chính vì sự thiếu nhất quán, mâu thuẫn này đã làm này sinh khó khăn, vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp (DN) ngày càng nhiều.

Đó là đánh giá của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Toạ đàm "Bảo đảm tính nhất quán trong tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp” ở Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ diễn chiều qua (14/3).

Luật, chính sách mâu thuẫn, chồng chéo do đâu?

Theo TS Nguyễn Đình Cung, các cơ quan Nhà nước vẫn soạn thảo chính sách theo kiểu thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn về cho DN, tìm cách quản lý dễ thay vì tháo gỡ, cởi trói cho DN. Vì lẽ này nên khi các DN khi thực hiện chính sách thì ở chiều ngang, họ chịu áp đặt hàng chục luật lệ của bộ ngành, thực hiện đúng một chính sách sẽ sai nhiều chính sách khác.

Tạo môi trường cho doanh nghiệp cần phải thay đổi từ nhận thức, từ lãnh đạo (ảnh minh hoạ)
Tạo môi trường cho doanh nghiệp cần phải thay đổi từ nhận thức, từ lãnh đạo (ảnh minh hoạ)

Chính vì luật mâu thuẫn chính sách nên theo ông Cung khi DN thực hiện các nghiệp vụ hành chính liên quan đến công quyền, khó hay không khó là ở cách thức thực hiện của người nắm quyền thực thi. Công chức tạo điều kiện giải quyết cho doanh nghiệp cũng xong mà bắt DN phải thực hiện đúng quy trình thì vẫn được. Như vậy, vướng mắc ở đây không phải là pháp lý, là chính sách mà là ở con người, ở thái độ, cách thức làm việc của công chức chúng ta.

Để giải quyết vấn đề, ông Cung cho rằng, cần thay đổi thái độ của người công chức và phải có áp lực từ người lãnh đạo, từ nhiều phía.

Dẫn dụ về việc tăng phí cho DN, ông Cung đưa ra vụ việc Hải Phòng mới đây đề xuất tăng phí dịch vụ cảng biển. Hiện Cảng Hải Phòng có năng lực cạnh tranh kém với các cảng khác, chi phí vận chuyển 1 container 40 fit từ Hải Phòng sang Nhật Bản mất 1.000 USD, trong khi cùng vận chuyển như thế, đi từ TP.HCM chỉ mất 300 USD, từ Quảng Châu (Trung Quốc) chỉ mất 170 USD.

"Vấn đề ở đây không phải của riêng Hải Phòng mà là của quốc gia, đại sự, liên quan đến gánh nặng và chi phí ngày càng tăng đối với doanh nghiệp. Đặc biệt khi cảng Hải Phòng đang chiếm 1/3 lượng hàng xuất nhập khẩu của cả nước", ông Cung nói.

Theo ông Cung, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh mà các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra không phải cơ quan công quyền không biết. Nhưng tại sao họ không làm, đó chính là lợi ích của cái cũ quá lớn, thay đổi khó bảo toàn lợi ích đó.

Sợ sửa chính sách kiểu “trên cởi trói, dưới thắt dây”

Ông Cung nêu ví dụ: "Trong Nghị quyết 35 về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp, Chính phủ nói rất rõ, cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ví dụ, cần phân định DN làm 3 đối tượng "xanh, vàng và đỏ" đối với lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Màu "xanh" là các DN có lịch sử tốt, luôn chấp hành đúng quy định pháp luật thì không cần hậu kiểm. Còn đối với DN thuộc diện "vàng" cần đối chiếu, hậu kiểm bất thường. Đối với DN thuộc diện "đỏ" cần đưa vào diện giám sát, quy trách nhiệm và quản lý chặt. Chỉ một ví dụ này thôi, chúng ta thấy đơn giản, làm dễ nhưng không ai làm",

Theo TS Cung, hiện quyền lực cơ quan hành chính đang gắn với lợi ích. Dẫn chứng 10 năm về trước dù đưa ra hiện tượng "8 không" trong chính sách pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, đến giờ “8 không” này vẫn tồn tại.

"Tôi đã tổng kết được "8 không" của hệ thống pháp luật Việt Nam 10 năm về trước là: "không rõ ràng", "không cụ thể", "không minh bạch", "không hợp lý", "không ổn định", "không tiên liệu trước", "không hiệu quả", "không hiệu lực". Đến nay, "8 không" này vẫn còn và một trong những điểm nhà đầu tư lo ngại nhất hiện nay là: không ổn định, không minh bạch và không tiên liệu được", ông Cung cho hay.

TS Cung lý luận: “Nếu không tiên liệu được chính sách nghĩa là không có tầm nhìn thì những sản nghiệp của nhà đầu tư đang thành công có thể chuyển sang thất bại ngay vì thay đổi chính sách. Chính vì vậy, khi nâng Thông tư lên Nghị định, sửa đổi chính sách sẽ khiến phát sinh "quyền anh", "quyền tôi", lo ngại "trên cởi trói, dưới thì thắt dây".

"Người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương phải "tỉnh táo", "nhạy cảm" với những chính sách này khi ký bút phê duyệt và loại bỏ cài cắm lợi ích của một nhóm người khi đưa ra dự thảo hoặc ban hành ra các chính sách nhằm ngăn chặn chi phí phát sinh cho DN, cho người dân. Từ năm 2000 tôi thấy một số chính sách chúng ta dù bỏ đi 1 rào cản nhưng lại sinh ra 2 thứ cản trở, tiêu tốn cho DN mà càng sinh ra nhiều thì càng giải quyết khó", ông Cung khuyến nghị.

Nguyễn Tuyền