“Không thể chấp nhận những chính sách cản trở sau bao năm vẫn không chịu thay đổi”

(Dân trí) - Cho rằng thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, vấn đề quan trọng là hành động, ông Vũ Tiến Lộc cũng chỉ ra một nghịch lý rằng, cho đến nay, giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là… loay hoay tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu.

Bà Virginia Foote cam kết doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đồng hành với các nỗ lực cải cách của Việt Nam
Bà Virginia Foote cam kết doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đồng hành với các nỗ lực cải cách của Việt Nam

“Chúng tôi thất vọng về vấn đề TPP”

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng nay (5/12) tại Hà Nội, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) – bà Virginia Foote chia sẻ: “Chúng tôi đã thất vọng biết bao khi Chính phủ Hoa Kỳ đã không thể phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và con đường trước mắt hiện vẫn chưa rõ ràng”.

Bà Virignia nói thêm rằng: “Chúng tôi thực sự hy vọng – và như một lời cam kết rằng, chúng tôi, trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) sẽ tiếp tục cộng tác để hỗ trợ, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Hoa Kỳ, hỗ trợ các nỗ lực cải cách, hiện đại hóa của Việt Nam để mong rằng, một số vấn đề, lĩnh vực đã được đưa vào trong TPP có thể đặt lộ trình cho các bước tiến quan trọng tiếp theo hướng tới hội nhập toàn cầu hơn nữa”.

Bài phát biểu của đại diện Amcham cũng cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ “gánh nặng hành chính có thể làm cản trở sự phát triển và dẫn đến tham nhũng, hạn chế nguồn lực con người”. Tuy nhiên, các DN Hoa Kỳ vẫn thấy, việc hiểu và áp dụng luật định không nhất quán, thực thi luật không thường xuyên, đồng đều, sự thiên vị và luật pháp không rõ ràng vẫn còn là những thách thức lớn đối với họ.

“Chúng tôi kêu gọi Chính phủ ngày càng đảm nhận vai trò điều tiết và quan tâm đến thực tế rằng, sự không rõ ràng trong các quy định pháp luật có thể bị lạm dụng để chọn ra kẻ thắng, người thua một cách không công bằng”, bà Virginia Foote kiến nghị.

Hiệp hội này cũng đề nghị Chính phủ áp dụng các hệ thống tăng cường thanh toán điện tử, giảm cơ hội cho các giao dịch bất hợp pháp trong quá trình cấp phép.

Doanh nghiệp ấn tượng với cách giải quyết cụ thể của Thủ tướng

Tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF đánh giá, mặc dù chưa được một năm sau khi kiện toàn, song Chính phủ đã cho thấy rõ những định hướng, cam kết trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh.

“Ít có thời điểm nào Chính phủ dành rất nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với các doanh nghiệp như những tháng qua”, ông Lộc nhận định.

Bên cạnh việc Chính phủ ban hành các chính sách kịp thời, đối thoại với doanh nghiệp, xây dựng cổng thông tin riêng để tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp… ông Lộc cho biết, cộng đồng DN cũng rất ấn tượng với những giải quyết cụ thể của người đứng đầu Chính phủ, như việc giải quyết rốt ráo vụ quán Cà phê Xin Chào tại TPHCM.

Ông Vũ Tiến Lộc
Ông Vũ Tiến Lộc

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn đánh giá rằng, dù có những cải thiện khá tốt nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách khá lớn so với các quốc gia trong khu vực.

“Khác với nhiều nước, các DN Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu… Khác với DN nhiều nước được kinh doanh trong môi trường thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính chuyên nghiệp thì ở Việt Nam, giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan Nhà nước vẫn là loay hoay tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu!”, vị đồng Chủ tịch VBF cho hay.

Cho rằng thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, ông Vũ Tiến Lộc góp ý, giải pháp quan trọng hiện nay là hành động, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi.

“Không thể chấp nhận được việc một số lĩnh vực dù được chỉ đích danh trong báo cáo tổng kết Nghị quyết 19 là cản trở, cần thay đổi nhưng sau bao năm vẫn không chịu thay đổi, dù đó chỉ là những thông tư của cấp bộ”, ông Lộc nhận định.

Trước đó, trao đổi với báo chí trước thềm VBF, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trong tổng số 150 vấn đề mà VBF đã đề xuất với các cơ quan của Chính phủ trong hai năm 2015-2016 thì mới chỉ có khoảng 1/3 vấn đề được xem xét và giải quyết, còn lại 2/3 chưa được giải quyết và đang giải quyết còn chậm. Lý do được cho biết do còn nhiều điểm vướng từ thông tư, nghị định đến luật, nên không thể giải quyết được ngay.

“Dù có khó khăn nhưng tôi thấy việc giải quyết như trên là rất chậm trễ. Nếu giải quyết nhanh hơn thì sẽ tạo sức giải phóng rất lớn đối với DN”, ông Lộc nói.

Do đó, theo kiến nghị của Chủ tịch VBF, tinh thần rất cải cách thể hiện trong các nghị quyết của Chính phủ cần phải được đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc nhất trên thực tế.

Bích Diệp