TS Lưu Bích Hồ: "Thế giới không nói nhiều về tăng trưởng như Việt Nam"
(Dân trí) - Kinh tế lạnh lùng nên không thể nói vui là vui ngay được. Chúng ta đang có cơn sốt nói về tăng trưởng nhưng nói nhiều quá. Cả thế giới không nói nhiều như chúng ta về tăng trưởng. Ngay cả những nền kinh tế thị trường hàng đầu, tương tự ta, trong thuận lợi, thậm chí cả lúc khó khăn, người ta cũng không để tâm nói nhiều về tăng trưởng với cách tính thế này, thế kia giống như đếm cua trong lỗ của Việt Nam.
Đây là chia sẻ của TS Lưu Bích Hồ, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với PV Dân Trí xung quanh câu chuyện tìm đâu động lực tăng trưởng những tháng cuối năm 2017.
- Thưa TS Hồ, có ý kiến cho rằng nếu chúng ta vận dụng khối tài sản hơn 6 triệu tỷ đồng của Nhà nước nằm tại DN Nhà nước thông qua bán, chuyển nhượng, cổ phần... thì tăng trưởng không chỉ đạt 6,7% mà còn 7%, 8%? Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Điều này ai cũng biết, nhưng bao giờ có thể biến chữ nếu thành hiện thực thì chưa làm được. Kinh tế là cuộc sống không phải cứ nếu là được. DNNN hiện nay giữ được hiệu quả đã khó, tăng hiệu quả thêm lại càng khó hơn trong khi cổ phần hoá, chuyển đổi "thúc lên, giục xuống" nhưng rất chậm.
Chúng ta đang nóng quá khi bàn về chỉ tiêu tăng trưởng, Việt Nam là nền kinh tế thị trường, có quy luật thị trường, không thể duy ý chí, hành chính thay đổi được. Những cách như bơm tiền, bơm vốn, chúng ta đã làm rồi nhưng không hiệu quả và nợ xấu từ năm 2011 đến nay vẫn chưa thể khắc phục được.
Bây giờ lãi suất tạm ổn định, nên đừng quay lại vòng xoáy như thế, nếu làm không khéo rơi lại vòng xoáy thì rất là không hay.
- Người ta nhắc nhiều đến kinh tế tư nhân sẽ là động lực cho tăng trưởng, ông đánh giá sao về sức mạnh của khu vực này, với rất nhiều chính sách ưu tiên, khu vực này có thể trở thành động lực cho tăng trưởng đất nước trong tương lai như các nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây hay không?
Cứ nhìn vào số DN đăng ký thêm và số DN giải thể, ngừng hoạt động chỉ chênh nhau hơn 9.700 DN thì thấy rõ khu vực này đang rất khó khăn. DN tăng thêm mới khởi sự nên không thúc đẩy tăng trưởng ngay được, trong khi DN dừng lại thì mất tăng trưởng nhiều hơn.
Việc 97% DN phá sản, dừng lại là DN quy mô dưới 10 tỷ đồng, cho thấy họ rất yếu, không tìm được lối thoát, số DN đăng ký mới còn đang mày mò thế thôi chứ chưa làm ngay được.
Động lực của kinh tế tư nhân đúng là có nhưng còn nhiều cần phải giải quyết. Cải cách của chúng ta còn đang ở giai đoạn tiếp tục, độ trễ của chính sách đi vào cuộc sống còn khá chậm. Không chỉ cải cách thể chế là mà còn phải tái cơ cấu nền kinh tế, hai cái đó phải đi liền với nhau.
- Nhiều năm qua Việt Nam sử dụng cách thức tăng trưởng: khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, gia công xuất khẩu, thu hút FDI để tăng trưởng. Nay Việt Nam chúng ta hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ưu đãi là kinh tế tư nhân, DN nhỏ và vừa, khởi nghiệp... Theo ông, phải chăng chúng ta đang ở thế khó không tìm ra đâu là động lực tăng trưởng chủ đạo của nền kinh tế?
Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã tới hạn rồi, giờ có bơm thêm vốn cũng không tăng trưởng được nhiều, mà rủi ro. Giới hạn tăng trưởng tiềm năng còn thêm 1-2%, nhưng tiềm năng tính thế nào, ngay cả chuyên gia cũng chưa xác định phương pháp tính ra sao.
Kinh tế lạnh lùng nên không thể nói vui là vui ngay được. Chúng ta đang có cơn sốt nói về tăng trưởng nhưng nói nhiều quá. Cả thế giới không nói nhiều như chúng ta về tăng trưởng. Ngay cả những nền kinh tế thị trường hàng đầu, tương tự ta, trong thuận lợi, thậm chí cả lúc khó khăn, người ta cũng không để tâm nói nhiều về tăng trưởng với cách tính thế này, thế kia giống như đếm cua trong lỗ của Việt Nam
Nước ngoài họ nói về tăng trưởng cụ thể hơn là giải quyết việc làm như thế nào, giải quyết lãi suất, thâm hụt ngân sách ra làm sao, từ đó để có được tăng trưởng.
Dẫu biết rằng chúng ta có khác biệt là nước đi sau nên chúng ta phải đặt mục tiêu tăng trưởng để tránh tụt hậu, đuổi bám các nền kinh tế khác, đồng thời tăng trưởng cao mới giải quyết các vấn đề cốt lõi của kinh tế như: trả nợ, việc làm, ngân sách... Tuy nhiên, kinh tế thị trường có cách thức chung cần tuân theo.
Theo đuổi mục tiêu con số tăng trưởng theo thành tích không phù hợp với kinh tế thị trường và tư duy Nhà nước kiến tạo. Bởi, ở đó Chính phủ chỉ nên tạo điều kiện thôi chứ không áp đặt về chỉ tiêu được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)