Trước khi “cao chạy xa bay”, ông Vũ “nhôm" kịp thoái vốn ở những doanh nghiệp nào?

(Dân trí) - Như tin đã đưa, ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm") vừa bị khởi tố về hành vi “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”, đồng thời bị truy nã do trốn khỏi nơi cư trú. Đáng lưu ý, trước khi bỏ trốn, ông Vũ “nhôm” đã sớm thoái vốn khỏi hàng loạt công ty và thu lại số vốn khủng…


Ông Vũ nhôm (bên phải) trong một lần đi cùng ông Xuân Anh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Pháp luật TPHCM

Ông Vũ "nhôm" (bên phải) trong một lần đi cùng ông Xuân Anh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Pháp luật TPHCM

Nhanh chóng “rút” khỏi The Sunrise Bay

Một trong số các dự án này có Khu đô thị Đa Phước (tại quận Hải Châu) do Công ty TNHH The Sunrise Bay, đầu tư với tổng mức trong giai đoạn 1 là hơn 4.465 tỷ đồng. The Sunrise Bay do ông Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Trước khi công ty Vũ “nhôm” tiếp nhận, chủ sở hữu cũ của dự án khu đô thị Đa Phước chính là Công ty TNHH Daewon Cantivail. Sau đó năm 2016, do khó khăn nên Daewon quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn đã góp vào dự án này cho Công ty CP Nova - Bắc Nam 79.

Năm 2017, Công ty CP Nova - Bắc Nam 79 đổi tên Công ty TNHH Daewon Cantavil thành Công ty TNHH Sunrise Bay. Sau đó, dự án này cũng được đổi tên từ Khu đô thị quốc tế Đa Phước thành Dự án khu đô thị The Sunrise Bay Novaland Đa Phước Đà Nẵng.

Đến buổi họp báo cuối tháng 10 vừa qua, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết, tên dự án và tên công ty triển khai dự án không thay đổi. Trước đây, cổ đông chính là Nova 79 còn giờ chuyển nhượng qua Công ty Hoàng Huy, công ty này nằm ở TP.HCM và thủ tục chuyển nhượng là do Sở KH-ĐT TP.HCM thực hiện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty The Sunrise Bay đã công bố bảng thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp vào hồi đầu tháng 10. Theo đó 99% cổ phần của công ty này đang được nắm giữ bởi Công ty CP Thương mại đầu tư phát triển Hoàng Huy, còn lại là một cổ đông cá nhân.

Người đại diện pháp luật của Hoàng Huy hiện tại là bà Phan Đỗ Hạnh kiêm Tổng Giám đốc thay ông Nguyễn Kiên Cường. Đáng chú ý đó là bà Hạnh đều là người của Công ty CP Cảng Rau Quả (VGP).

Trong cơ cấu cổ đông của Hoàng Huy tính đến ngày 19/9/2017, nhóm cổ đông cũ trong đó có ông Vũ “nhôm” đã thoái toàn bộ tại dự án này.

… và hàng loạt các công ty khác

Trước đó, Vũ “nhôm” cũng đã đồng loạt thoái vốn tại những công ty do ông làm chủ sở hữu. Nhiều trong số này được biết đến là đơn vị nắm giữ hàng loạt bất động sản có giá trị, nằm ở vị trí đắc địa của TP Đà Nẵng.

Cụ thể, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sửa đổi ngày 26/4/2017 cho thấy Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn.

Công ty này được thành lập từ năm 2002 theo giấy phép kinh doanh số 0400434770 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng. Khi thành lập, tổng vốn điều lệ của Công ty là 500 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh đa ngành: Xây dựng, bất động sản, khách sạn nhà hàng...

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần xây dựng 79 cũng chính là đơn vị có nhiều thương vụ mua bán bất động sản nổi tiếng tại Đà Nẵng trong vòng 10 năm trở lại đây như: 2 khu đất vàng dọc đường Bạch Đằng; Vụ chuyển nhượng lô đất phía Nam đường Phạm Văn Đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang và thương vụ thâu tóm Khu đất 29 ha thuộc dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (nay là The Sunrise Bay Đà Nẵng).

Theo thống kê của Sở Xây Dựng Đà Nẵng thì Bắc Nam 79 cũng chính là công ty mua nhiều nhà công sản hóa giá nhất Đà Nẵng trong thời gian qua.

Tại Công ty TNHH Phú Gia Compound (tên cũ là Công ty TNHH Minh Hưng Phát) giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 7/4/2017 thể hiện ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 40 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên. Công ty này trước đó từng khá “nổi tiếng” sau lùm xùm tặng xe cho cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Một DN khác đó là Công ty CP Nova Bắc Nam 79 hiện cũng không còn cổ phần của Vũ “nhôm” và đã đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong. Công ty Chấn Phong là cổ đông lớn thứ hai tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, mã CK: SEA) sau Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm giữ 63,38% vốn điều lệ, sau đó là Chấn Phong, sở hữu 20,1% vốn.).

Doanh nghiệp này chính thức sở hữu cổ phần của Seaprodex từ tháng 6/2016. Sau đó một tháng, ông Vũ cũng được bổ nhiệm chức danh Ủy viên HĐQT, thành viên không điều hành Seaprodex và nhận thù lao tính đến cuối năm là 81 triệu đồng.

Mới đây Seaprodex cho biết Công ty CP Đầu tư và phát triển Chấn Phong đã đăng ký thoái toàn bộ 25 triệu cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu này tương ứng 20,1% vốn điều lệ của SEA. Theo Chấn Phong thì mục đích giao dịch nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 18/12/2017 - 17/01/2018. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày đã xuất hiện một cá nhân chi gần 400 tỷ đồng mua lại khối cổ phiếu này.

Theo thông tin từ Cơ quan ANĐT, Bộ Công an, ngày 20/12, cơ quan ANĐT, Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”.

Sau khi xác định bị can Phan Văn Anh Vũ không có mặt tại nơi cư trú ở số 82 Trần Quốc Toản, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, cơ quan ANĐT quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ.

Phan Văn Anh Vũ (42 tuổi) hay vẫn được nhiều người biết đến với biệt danh Vũ “nhôm”. Ông Vũ có vai trò quan trọng trong hàng loạt doanh nghiệp như Công ty TNHH The Sunrise Bay Đà Nẵng, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 ở Đà Nẵng, Công ty I.V.C, Công ty CP Nova Bắc Nam 79 ở TP.HCM…

Ông Phan Văn Anh Vũ sở hữu nhiều dự án lớn tại nhiều vị trí đắc địa tại TP.Đà Nẵng. Mới đây, khi Bộ Công an công bố điều tra việc mua, chuyển nhượng 9 dự án và 31 nhà, đất công sản thì Vũ “nhôm” được cho là có liên quan đến hầu hết các dự án. Điều đáng lưu ý, trước khi bỏ trốn Vũ “nhôm” đã sớm thoái vốn khỏi hàng loạt công ty do y làm chủ sở hữu.

Nguyễn Khánh

Trước khi “cao chạy xa bay”, ông Vũ “nhôm" kịp thoái vốn ở những doanh nghiệp nào? - 2