Hà Nội:
Trước giờ tăng giá, khách mua xăng tăng mạnh, cửa hàng treo biển báo hết
(Dân trí) - Do số lượng người mua tăng đột biến, một số cửa hàng phải treo biển thông báo tạm hết xăng vào sáng nay (13/5).
Tại kỳ điều chỉnh chiều nay (13/5), Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá các loại mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 578 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 604 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 84 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 83 đồng/lít; Dầu mazut giảm 125 đồng/kg.
Trước thời điểm xăng chính thức tăng trở lại trong kỳ điều chỉnh chiều nay, một số người dân đã tranh thủ đi mua tạo nên hiện tượng đông nghẹt ở nhiều cửa hàng.
Do số lượng người mua tăng đột biến, nhiều cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) phải treo biển thông báo tạm hết xăng vào sáng nay (13/5).
Một số độc giả cũng phản ánh tới Dân trí về việc một số cây xăng thông báo hết xăng RON 95 khi lượng khách tăng mạnh vào tối qua (12/5).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đáp ứng đủ để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo vị này, khi xuất hiện một số thông tin nhận định giá xăng tăng mạnh, nhiều người đã tranh thủ đi mua xăng. Điều này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp tạm thời chưa kịp bổ sung nên hết hàng.
Cụ thể, đối với trường hợp một số cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng thuộc Công ty CP Thương mại và Xây lắp Dầu khí và Công ty TNHH Xăng dầu và Dịch vụ Thương mại Đông Xuân treo biển hết hàng, đại diện Vụ thị trường trong nước cho biết: Cây xăng của Công ty Đông Xuân thông báo hết hàng trước, sau đó người dân chuyển sang cây xăng của Công ty Xây lắp Dầu khí mua.
Vì lượng khách rất đông nên cả hai cửa hàng hết tạm thời. Thời gian gián đoạn trong việc cung cấp xăng dầu khoảng 2 giờ. “Cả 2 đơn vị đều báo cáo ngay sau khi nhập hàng đã bán lại ngay”, đại diện Vụ thị trường trong nước thông tin.
Trong khi đó, trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu cho biết, việc mua tích trữ số lượng lớn xuất hiện ở một số trường hợp là các cơ sở sản xuất. Nhu cầu sử dụng của họ nhiều, trong khi đó tình hình sản xuất tăng trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát nên họ tranh thủ mua tích trữ. Bên cạnh đó, cũng có một số khách hàng là người tiêu dùng bình thường cũng tăng mua trước thời điểm xăng dầu được điều chỉnh giá.
Theo vị này, hiện tượng này xuất hiện do yếu tố tâm lý và tạo áp lực lớn cho cửa hàng bán lẻ khi bể chứa của họ không lớn. Vì không vận chuyển kịp, không kịp thời bổ sung cũng có thể dẫn đến hiện tượng phải bất ngờ báo “hết". Đối với khả năng doanh nghiệp “găm hàng" thì rất khó xảy ra vì doanh nghiệp làm thế quá mạo hiểm, nếu cơ quan quản lý phát hiện vẫn còn xăng mà không bán sẽ bị phạt rất nặng.
“Người dân cứ sợ tăng mạnh, tăng “sốc" nhưng với cơ chế hiện nay khi giá cả có sự can thiệp quỹ bình ổn, kỳ điều chỉnh là 15 ngày, chúng ta không phải quá lo lắng về vấn đề này", vị lãnh đạo doanh nghiệp khuyến cáo, người tiêu dùng không nên mua tích trữ dưới bất kỳ hình thức nào vì tiết kiệm không được nhiều, trong khi nguy cơ cháy nổ cao.
Trước đó, vào thời điểm cuối tháng 3/2020, Bộ Công Thương cho biết tại một số địa phương, có hiện tượng người dân tập trung mua xăng dầu tích trữ do giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước giảm mạnh theo diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khó lường tại Việt Nam và trên thế giới.
Bộ Công Thương khuyến cáo không nên mua tích trữ bởi việc mua tích trữ xăng dầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy, đe dọa tính mạng, tài sản của chính người mua tích trữ và cộng đồng dân cư
Nguyễn Mạnh