Trung Quốc "xâm lăng" thị trường hoa quả EU

(Dân trí) - Các rào cản thương mại dường như chẳng giúp được gì nhiều cho những người trồng rau và hoa quả ở châu Âu trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Hiện đã được hưởng rất nhiều trợ cấp nhưng chủ các trang trại rau quả của châu Âu vẫn muốn được bảo hộ nhiều hơn nữa trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

 

Các rào cản thương mại dường như chẳng giúp được gì nhiều cho những người trồng rau và hoa quả ở châu Âu trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Điển hình là trường hợp các hộ trồng dâu tây ở Ba Lan. Do sự cạnh tranh của sản phẩm giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, người trồng dâu tây Ba Lan đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) phải can thiệp. Kết quả là lần đầu tiên trong lịch sử, EU đã áp thuế trừng phạt 34,2% đối với dâu tây đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, đó không phải là ví dụ duy nhất. Năm 2004, dưới sức ép của nông dân Tây Ban Nha, EU đã áp dụng chính sách hạn ngạch đối với quýt và một số loại hoa quả cùng loại của Trung Quốc. Chủ các trang trại trồng táo của Bỉ cũng đã đệ đơn kiện Trung Quốc bán phá giá.

 

Cuộc chiến với Ba Lan manh nha kể từ khi công ty thực phẩm Băng Hoa (Binghua Food Co., Ltd) của Trung Quốc, qua internet, đã tìm thấy một đối tác tiềm năng là Materne Confilux SA - một công ty gia đình ở Bỉ chuyên sản xuất mứt và các sản phẩm khác từ hoa quả. Do thấy giá cả cạnh tranh hơn nên Materne đã đặt mua của công ty Băng Hoa 360 tấn dâu tây đông lạnh và giảm nguồn cung cấp từ các trang trại ở Ba Lan.

 

Theo kết quả một cuộc điều tra của EU, bên cạnh một số lợi thế như giá thuê đất và nhân công thấp, những người trồng hoa quả của Trung Quốc được miễn giảm thuế nên có thể hạ giá sản phẩm. Năm 2004, giá dâu tây của Trung Quốc rẻ hơn của Ba Lan gần một nửa, một phần do Ba Lan bị sương giá.

 

Ba Lan thường xuyên xảy ra hạn hán và có sương giá nên đến tháng 6 nông dân mới có thể giao hàng, tức là chậm 1 tháng so với Trung Quốc.  

 

Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu dâu tây đông lạnh của Trung Quốc sang EU tăng từ mức 6,2 triệu USD của năm 2002 lên 26,4 triệu USD, nâng thị phần của công ty từ 3,5% lên 20%. Xuất khẩu táo của Trung Quốc sang thị trường này cũng đã tăng từ 4 triệu USD của năm 2000 lên 46 triệu USD vào năm 2005.

 

Ba Lan cho biết nếu EU không áp thuế nhập khẩu với dâu tây của Trung Quốc thì nước này có thể đã mất hơn 2.500 việc làm.

 

Tuy nhiên, chính trong nội bộ EU cũng chia thành hai phe. Trong khi chủ các trang trại lo lắng trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì người tiêu dùng lại rất muốn thị trường có nhiều hoa quả giá rẻ. Các nhà máy sản xuất sữa chua, mứt và kem cũng muốn có nguồn cung cấp nguyên liệu giá rẻ hơn nên ủng hộ hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Trong khi đó, Cao ủy thương mại EU, ông Peter Mandelson, cho rằng Trung Quốc có thể “ghi điểm” trên thị trường hoa quả EU, tiết kiệm cho người tiêu dùng ở đây, thì EU cũng có thể “thu tiền” của người tiêu dùng trung lưu Trung Quốc bằng việc bán các sản phẩm như rượu và pho-mát.

 

Chính sách thuế nhập khẩu mới áp dụng đối với Trung Quốc có thể sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu của một số nước như Marốc nhiều hơn là cho nông dân Ba Lan, vì dâu tây của Marốc không bị áp thuế.

 

Như Tùng

Theo Wall Street Journal