1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trung Quốc tung "liều thuốc" mới để vực dậy tăng trưởng

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Để thúc đẩy đà hồi phục, Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại. Chuyên gia cho rằng thứ Trung Quốc cần bây giờ là Chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố các biện pháp mới để thúc đẩy hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại đối với hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm cải thiện tăng trưởng kinh tế trong năm nay sau một năm 2023 ảm đạm.

Các chuyên gia cho rằng điều này cho thấy giới chức Trung Quốc đang chịu áp lực phải ngăn đà bán tháo trên thị trường chứng khoán, bên cạnh tăng cường hỗ trợ nền kinh tế.

Tại một cuộc họp báo ngày 24/1, ông Pan Gongsheng, Thống đốc PBOC, bất ngờ tuyên bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Năm ngoái, các ngân hàng Trung Quốc đã được giảm tỷ lệ này vào tháng 3 và tháng 9. PBOC cũng sẽ giảm một số loại lãi suất cho vay khác với khu vực nông thôn và doanh nghiệp nhỏ, bắt đầu từ ngày 25/1.

Thống đốc Pan cho biết việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc có hiệu lực từ ngày 5/2 sẽ giải phóng lượng vốn khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,46 triệu tỷ đồng) trong hệ thống ngân hàng để các ngân hàng thương mại có thể tăng cường cho vay. 

Trung Quốc tung liều thuốc mới để vực dậy tăng trưởng - 1

Ông Pan Gongsheng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg).

Bên cạnh đó, Wall Street Journal cho biết các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phát hiện thấy hoạt động gom mua cổ phiếu của các quỹ, công ty bảo hiểm và các đơn vị khác có sự quản lý của nhà nước.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang cố gắng hồi phục hậu Covid-19. Trung Quốc hiện đối mặt với nhiều thách thức, từ khủng hoảng bất động sản kéo dài, nợ chính quyền địa phương tăng, đến nhu cầu toàn cầu yếu đi.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cho rằng thứ mà Trung Quốc cần bây giờ không phải là vốn vay nhiều hơn hay rẻ hơn, mà là Chính phủ cần chi tiêu nhiều hơn, cũng như có biện pháp mạnh hơn để chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và cải thiện niềm tin của người tiêu dùng.

"Động thái của PBOC là một tín hiệu tích cực cho thấy Chính phủ Trung Quốc mong muốn phục hồi động lực tăng trưởng và bình ổn thị trường chứng khoán", ông Eswar Prasad, giáo sư của Đại học Cornell, nhận định với Wall Street Journal.

Tuy nhiên, ông Prasad cho rằng động thái này sẽ chỉ có tác dụng hạn chế vì niềm tin của doanh nghiệp và hộ gia đình đang rất yếu.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, vượt mục tiêu mà Chính phủ nước này đề ra nhưng là một trong những mức tăng yếu nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây trừ những năm đại dịch.

Chính phủ Trung Quốc đã tung ra nhiều biện pháp kích thích, nhưng chưa có tác động lớn.

Trong bối cảnh xuất khẩu giảm sút, khủng hoảng bất động sản kéo dài và tiêu dùng yếu, tăng trưởng kinh tế quốc gia này năm ngoái chủ yếu dựa vào đầu tư công cho cơ sở hạ tầng và làn sóng đầu tư vào hoạt động sản xuất.

Theo Bloomberg, WSJ