Trung Quốc tung gần 158 tỷ USD kích thích kinh tế

(Dân trí) - Trước tình hình kinh tế ảm đạm, chính phủ Trung Quốc vừa quyết định chi hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 157,7 tỷ USD để đầu tư vào các dự án hạ tầng, kích thích kinh tế.

Thông tin trên vừa được Ủy ban cải cách và phát triển kinh tế quốc gia Trung Quốc (NDRC) công bố ngày 6 và 7/9. Theo đó 60 dự án phát triển hạ tầng với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 1000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 157,7 tỷ USD đã được thông qua.

Trung Quốc quyết định “bơm” tiền để tăng tốc cho nền kinh tế
Trung Quốc quyết định “bơm” tiền để tăng tốc cho nền kinh tế

Quyết định trên được Bắc Kinh đưa ra sau khi hàng loạt dữ liệu về sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ảm đạm hơn dự kiến. Vào ngày 9/9, thêm một số dữ liệu của kinh tế Trung Quốc sẽ được công bố có thể một lần nữa khẳng định nỗi lo lớn nhất của các nhà đầu tư về xu thế đi xuống của GDP nước này trong quý thứ 7 liên tiếp.

Theo khảo sát mới đây của Reuters với 22 chuyên gia kinh tế, đa số các ý kiến cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu giảm từ 4,7% của tháng 7 xuống còn 3,5%. Thặng dư mậu dịch được dự báo chỉ đạt 19,8 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 25,1 tỷ USD trong tháng trước.

Trong số các dự án được thông qua, có 25 dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị bao gồm các tuyến tàu điện ngầm và đường sắt tại 18 thành phố trên khắp cả nước với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ nhân dân tệ. Ngoài ra còn có 13 dự án đường cao tốc cùng 10 dự án xử lý rác, 7 dự án cảng biển và giao thông đường thủy.

Đón nhận thông tin mới này, thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 7/9 đã tăng vọt. Chỉ số Shanghai Composite Index đóng cửa tăng tới 3,7% trong đó lên điểm mạnh nhất là cổ phiếu các công ty xây dựng và vật liệu xây dựng. Theo các nhà phân tích các chính sách kích thích kinh tế này sẽ phát huy tác dụng từ quý 4 tới.

“Ngoài quy mô lớn của các dự án, việc công bố hàng loạt dự án mới chỉ trong 2 ngày là một cường độ rất cao”, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế của công ty chứng khoán Nomura tại Hong Kong nhận định. “Điều này báo hiệu sự thay đổi về chính sách và giờ nó đã tích cực hơn rất nhiều”.

Quan trọng hơn các dự án này đều được chính quyền trung ương ủng hộ. Điều này hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố gần đây của hàng loạt địa phương tại Trung Quốc trong 2 tháng qua với ý định chi gần 7.000 tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế. Dù vậy các nhà kinh tế cho rằng kế hoạch này khó khả thi do thiếu vốn.

Đây là lần thứ hai trong vòng 4 năm trở lại đây Trung Quốc phải tung một gói kích cầu lớn. Trước đó, cuối năm 2008 đầu năm 2009 Bắc Kinh đã “bơm” ra tới 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 630 tỷ USD) để vực dậy nền kinh tế khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.

Tuy nhiên do nguồn vốn được bơm ra quá mạnh trong khi việc sử dụng không hiệu quả, gói kích cầu này đã khiến lạm phát leo thang, nợ xấu của các ngân hàng tăng vọt. Chính vì vậy lần này Trung Quốc tỏ ra rất thận trọng cả về quy mô chương trình kích cầu lẫn thời điểm thực hiện.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Bắc Kinh sẽ còn phải hành động mạnh tay hơn nữa nếu muốn cắt giảm lãi suất bởi hiện lạm phát đã có dấu hiệu tăng trở lại do tác động từ giá lương thực thế giới. Gần đây giá thịt heo tại nước này đã bắt đầu leo thang.

Thanh Tùng
Theo Reuters và AFP