1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Trung Quốc: Thực phẩm hàng hiệu cũng mang chất gây ung thư

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội bao bì thực phẩm quốc tế cho thấy rất nhiều loại thực phẩm của các thương hiệu lớn tại Trung Quốc có hàm lượng chất làm trắng cao vượt chuẩn, có nguy cơ gây ung thư.

Thông tin này vừa được tờ China Daily đăng tải ngày 10/8. Theo đó trong đợt nghiên cứu kéo dài 3 tháng của Hiệp hội bao bì thực phẩm quốc tế (IFPA) tại nước này, có rất nhiều sản phẩm của các nhãn hàng tên tuổi tại Trung Quốc bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn về đóng gói, có khả năng gây ung thư cho người tiêu dùng.

Bao bì nhiều sản phẩm tại Trung Quốc có chất gây ung thư
Bao bì nhiều sản phẩm tại Trung Quốc có chất gây ung thư

Dong Jinshi, phó chủ tịch điều hành của IFPA cho biết các xét nghiệm của cơ quan này cho thấy nhiều loại mỳ ăn liền và trà sữa đóng gói trong các ly/cốc bằng giấy có hàm lượng chất làm trắng cao quá mức cho phép.

Trong đợt kiểm tra này, IFPA đã lấy mẫu là 84 sản phẩm của các thương hiệu thực phẩm nổi tiếng được bán tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Chiết Giang và Giang Tô.

Riêng tại Bắc Kinh, trong số 24 loại thực phẩm được kiểm tra có đến 80% mẫu xét nghiệm bị phát hiện có chứa hàm lượng chất làm trắng rất cao. Rất nhiều các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và được bày bán tại các siêu thị từ nhiều năm nay cũng bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn đóng gói.

Chất làm trắng là một dạng hợp chất hữu cơ được sử dụng để làm trắng giấy. Tuy nhiên chất này có thể gây ung thư nếu ai đó vô tình ăn phải trong thời gian dài. “Mặc dù chất lượng bao bì bên trong của các sản phẩm được lấy mẫu đạt chất lượng nhưng người tiêu dùng vẫn có nguy cơ hấp thụ loại hóa chất này khi họ chạm vào bao bì bên ngoài”, ông Dong Jinshi khẳng định.

Dù thông tin trên đã được công bố rộng rãi nhưng đến cuối tuần qua chưa có công ty thực phẩm nào lên tiếng về kế hoạch thu hồi sản phẩm khỏi thị trường. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn lên tiếng phản ứng trước kết quả điều tra.

Uni-President Enterprises (China) Investment, một nhà sản xuất mỳ ăn liền lớn tại Trung Quốc ra thông báo trên website của mình rằng: “Tất cả các loại cốc/ly giấy sử dụng cho mỳ ăn liền đều đạt tiêu chuẩn quốc gia về bao bì”.

Hou Xingfu, lãnh đạo công ty thực phẩm Jinmailang, một trong những công ty bị nêu đích danh trong bản báo cáo cũng phủ nhận vấn việc sản phẩm của mình không đạt chuẩn. “Các loại cốc/ly giấy sử dụng cho sản phẩm của chúng tôi đều do các công ty bao bì chuyên nghiệp sản xuất. Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra sớm nhất có thể”, ông Hou phát biểu trên trang china.com.cn.

Trong khi đó Duan Yujing, nhân viên giám sát chất lượng của IFPA thì nhận định có thể các công ty bao bì đã sử dụng giấy tái chế để sản xuất nhằm giảm chi phí. “Rất có khả năng rằng những bao bì kém chất lượng được sản xuất từ giấy tái chế hoặc thậm chí là các loại giấy rác, vốn không phù hợp để đóng gói thực phẩm và đồ uống bởi chi phí của chúng thấp hơn”, bà Duan nói.

Bà cũng cho biết thêm rằng tại Trung Quốc giấy nguyên liệu thô đủ tiêu chuẩn để đóng gói thực phẩm sau xơ chế có giá khoảng 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1570 USD/tấn). Trong khi đó các loại giấy tái chế có giá rẻ chỉ bằng một nửa. “Do hiện tại chính phủ nước này chưa có quy định rõ về việc bao bì bên ngoài phải đảm bảo các tiêu chuẩn như bao bì bên trong nên rất nhiều doanh nghiệp vẫn khai thác lỗ hổng này”, Duan Yujing cho biết thêm.

Trước thông tin trên, không ít người dân Trung Quốc đang có phản ứng giận dữ. Zhang Jun, một cư dân 35 tuổi tại Bắc Kinh khẳng định: “Tôi tin rằng cả bao bì bên trong lẫn bên ngoài cho các sản phẩm đồ ăn, đồ uống phải được sản xuất từ các loại giấy đạt tiêu chuẩn chất lượng. Từ nay tôi sẽ cố gắng tránh mua các sản phẩm đó vì scandal này”.

Thanh Tùng
Theo China Daily