Trung Quốc thống trị trong cuộc đấu thầu nhà máy điện mặt trời ở Myanmar

Thùy Dung

(Dân trí) - Những công ty từ Trung Quốc đã đánh bại các công ty quốc tế khác để thống trị các cuộc đấu thầu nhà máy điện mặt trời ở Myanmar.

Trung Quốc thống trị trong cuộc đấu thầu nhà máy điện mặt trời ở Myanmar - 1

China Sungrow Power Supply là một trong ba công ty Trung Quốc, chiếm khoảng một phần ba số hồ sơ dự thầu trong quá trình đấu thầu dự án xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời của Myanmar.

Sau khi xem xét nhiều đề xuất về nhà máy năng lượng mặt trời trong nhiều năm qua, chính phủ Myanmar đã đưa ra đấu thầu vào giữa tháng 5 khi cuộc bầu cử tháng 11 sắp kết thúc. Hạn cuối để nộp hồ sơ đấu thầu là một tháng sau.

Đây là các cuộc đấu thầu xây dựng các nhà máy điện mặt trời tại 30 địa điểm với tổng công suất là 1.060 megawatt, tương đương với sản lượng của một lò phản ứng hạt nhân điển hình. Một nhà máy thông thường phải có công suất phát điện khoảng 30MW đến 50MW.

Người trả giá thấp nhất cho mỗi dự án sẽ xây dựng nhà máy, sở hữu và vận hành nó trong 20 năm, bán điện cho công ty điện nhà nước theo hợp đồng mua bán điện.

Các dự án này có thể sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với chính sách năng lượng tái tạo của Myanmar, nhưng thời hạn chặt chẽ của đấu thầu và các điều kiện nghiêm ngặt khác đã gây ra nhiều phản ứng dữ dội từ cộng đồng doanh nghiệp ở Yangon.

Nhiều công ty địa phương đã không thể tham gia đấu thầu vì họ không đáp ứng được yêu cầu thể hiện thu nhập hàng năm là 20 triệu USD trong vòng 3 năm gần đây nhất.

Một quyết định khó khăn nữa mà chính quyền Myanmar đã đưa ra là cấm đấu thầu điện tử - điều này đã gây ra nhiều bất lợi cho các công ty nước ngoài bởi những cản trở ràng buộc liên quan đến đại dịch, việc hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế. Do vậy, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều không thể trực tiếp vào Myanmar để tiến hành thẩm định, thăm quan địa điểm và đàm phán các giao dịch đất đai.

Hiện vẫn chưa rõ các nhà thầu Trung Quốc đã xử lý như thế nào xung quanh các chướng ngại mà chính quyền Myanmar đặt ra. Tuy nhiên, gần như họ đã thống trị áp đảo các nhà thầu quốc tế khác.

Danh sách các nhà thầu được Nikkei Asian Review xem xét cho thấy, có 155 hồ sơ dự thầu, với hơn một nửa đến từ các công ty Trung Quốc. Trong số các nhà thầu Trung Quốc, có 3 nhà thầu nổi bật là Sungrow Power Supply, China Machinery Engineering Corporation và Datang International Power. Họ chiếm khoảng một phần ba tổng số thầu.

Trung Quốc coi Myanmar là một địa điểm chiến lược trong kế hoạch Vành đai và Con đường để đầu tư vào các cảng biển, đường ống và các phần cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Một chuyên gia điện lực giấu tên có trụ sở tại Yangon, Myanmar, nói rằng: “Hệ thống lưới điện quốc gia Myanmar chưa chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận lượng điện mặt trời lớn" và cho rằng “các dự án năng lượng mặt trời cần được phối hợp nhịp nhàng và phù hợp với chiến lược năng lượng quốc gia”.

Sau nhiều cuộc phản đối của các đại sứ quán và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm các phòng thương mại Mỹ, Anh và EU, Bộ Điện và Năng lượng Myanmar đã gia hạn thời hạn nộp hồ sơ dự thầu thêm một tháng nữa cho đến ngày 17/7. Tuy nhiên, điều này vẫn bị các nhà thầu trong và ngoài nước coi là không hợp lý.

Trung tâm Kinh doanh có trách nhiệm Myanmar - một tổ chức phi lợi nhuận, đã cảnh báo rằng: “Việc đưa ra thời hạn nộp hồ sơ dự thầu vội vàng như vậy sẽ càng làm trầm trọng thêm rủi ro “chiếm đất”. Các nhà thầu sẽ phải chạy đua để giành được đất hoặc tuyên bố họ đã sở hữu các địa điểm ngay cả khi chưa có nó”.

Tại Myanmar, hiện nay, tình trạng thiếu điện đang dẫn đến mất điện ngày càng nhiều và khiến người dân Myanmar vô cùng thất vọng khi khoảng một nửa dân số không có điện. Chính phủ Myanmar dự định sẽ cung cấp điện cho 100% hộ gia đình vào năm 2030, một mục tiêu đòi hỏi phải tăng cường công suất nhanh chóng.

Năm 2019, Yangon buộc phải thực hiện kế hoạch cúp điện trong nhiều tháng, ảnh hưởng đến các hộ gia đình và nhiều doanh nghiệp. Chính phủ đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tập đoàn VPower có trụ sở tại Hồng Kông để lắp đặt bốn nhà máy điện chạy bằng khí đốt khẩn cấp. VPower cho biết, các nhà máy đã bắt đầu hoạt động cách đây 3 tháng.

Hiện nay, ở Myanmar đang là mùa mưa và các đập hiện đang hoạt động với công suất cao. Nhưng nếu vào những tháng mùa đông khô hạn, các nhà máy điện này sẽ không còn hoạt động với công suất như vậy nữa. Vì vậy, các nhà máy điện mặt trời hứa hẹn sẽ cung cấp điện cho đất nước trong mùa khô.

Kế hoạch năng lượng tổng thể của Myanmar, được công bố vào năm 2015, đưa ra viễn cảnh cho năm 2030, trong đó 57% điện năng đến từ thủy điện, 30% từ than đá, 8% từ khí đốt tự nhiên và 5% đến từ năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.

Bộ Điện và Năng lượng Myanmar hiện đang thúc đẩy các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên. Vào tháng 7 vừa qua, họ đã đưa ra một thông báo rằng một tập đoàn do công ty thương mại Nhật Bản Marubeni đứng đầu sẽ phát triển một nhà máy 1.250MW.

Trước đó, vào đầu năm 2018, chính phủ đã ban hành thông báo tương tự đối với ba nhà máy điện chạy bằng khí đốt là Total của Pháp, Tập đoàn Zhefu Holding của Trung Quốc và TTCL của Thái Lan đứng đầu.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán kéo dài đã khiến Myanmar và các bên không thể đi đến được thỏa thuận cuối cùng trong những dự án trên.

Mặc dù, các dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời đã nhận được sự quan tâm đáng kể của khu vực tư nhân, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến việc biến những dự án này trở thành thành hiện thực. Mở rộng quy mô công suất phát điện có lẽ vẫn còn là một thách thức quan lớn đối với Myanmar.