1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Trung Quốc: Tham nhũng, hối lộ "bảo kê" cho hàng giả

(Dân trí) - Bất chấp những hứa hẹn trước các nhà sản xuất nước ngoài sẽ nỗ lực đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, Trung Quốc vẫn bị xem như thánh địa của hàng giả, nhái. Phải chăng các quan chức nước này đang bất lực hay đã có sự ngấm ngầm tiếp tay?

Theo số liệu được hải quan châu Âu đã công bố ngày 24/7, trong năm 2011 vừa qua họ đã bắt giữ tổng cộng 115 triệu sản phẩm hàng giả với tổng giá trị 1,3 tỷ Euro. Trong đó, theo cơ quan này có đến 73% hàng giả, kém chất lượng đến từ Trung Quốc và thêm 7,7% nữa có xuất xứ Hồng Kông. Bị bắt giữ nhiều nhất là các sản phẩm tân dược, chiếm 24%.

Hàng công nghệ giả, nhái tràn ngập chợ Bắc Kinh
Hàng công nghệ giả, nhái tràn ngập chợ Bắc Kinh (Ảnh: Internet)

Những dữ liệu chính thống này một lần nữa cho thấy các cơ quan chức năng Trung Quốc đã hành động hiệu quả ra sao trong cuộc chiến chống hàng kém chất lượng. Ngay tại trong nước, tuần qua cộng đồng mạng Trung Quốc thêm một lần xôn xao khi một blogger tại tỉnh Zhejiang miền Nam nước này mô tả việc mẹ mình mua phải cánh gà giả như thế nào.

Theo thông tin được tờ Epoch Times trích dẫn, mẹ của blogger trên đã bàng hoàng khi phát hiện những cánh gà mình mua về vẫn trông rất đỏ như thể chưa chín sau nhiều lần đem chiên. Khi đem ra ăn, những cánh gà này có vị rất lạ. Bài viết này lập tức lan truyền chóng mặt và sau đó các chuyên gia khẳng định đó là cánh gà thật nhưng đã được tiêm thêm nước và một loại chất dẻo.

“Thay vì hỗ trợ cho cuộc chiến chống loại tội phạm này, các quan chức địa phương của nước này lại tìm cách bao che cho thủ phạm”, bài báo khẳng định. Một minh chứng được họ đưa ra đó là trong năm 2010, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải vụ việc công nhân một nhà máy sản xuất rượu tại thành phố Qinhuangdao, cách Bắc Kinh khoảng 300 km về phía Đông đã rót cồn, hương liệu nhân tạo và phẩm màu vào những chai rượu mang mác đắt tiền.

Dù camera giám sát của trình quyền địa phương đặt trong xưởng đã ghi lại được hình ảnh này, thế nhưng chủ công ty và các công nhân không hề tỏ ra lo sợ. Nếu chính quyền làm nghiêm, chắc chắn sẽ không thể có hiện tượng trên.

“Sự bảo hộ đã trở thành một cái ô bảo vệ cho các sản phẩm giả mạo cùng thói làm ăn không trung thực”, bài báo của truyền thông nhà nước Trung Quốc viết. “Chủ nghĩa bảo hộ cần phải được giải quyết trước khi hoạt động sản xuất hàng giả bị loại trừ”.

Bất chấp những lời kêu gọi từ dư luận cũng như phản ứng giận dữ từ các nhà đầu tư nước ngoài, Bắc Kinh dường như chỉ hành động kiểu thời vụ. Quan sát của tờ CSMonitor dưới đây là một điển hình.

Hồi tháng 6 vừa qua, trước thềm cuộc họp của Tổ chức sở bảo vệ hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với sự tham gia của hơn 700 đại biểu từ 154 nước, cả thủ đô Bắc Kinh bỗng chốc sạch bóng hàng nhái, hàng giả. Từ những đầu DVD lậu tới áo hiệu Polo giả hay đồng hồ nhái Patek Philippe…tất cả đều “biến mất” khỏi các gian hàng.

Cơ quan chức năng Trung Quốc bị cho là “bảo kê” cho hàng giả (Ảnh: Internet)
Cơ quan chức năng Trung Quốc bị cho là “bảo kê” cho hàng giả (Ảnh: Internet)

Chứng kiến cảnh này, Joe Simone, một luật sư về bảo vệ nhãn hiệu của Baker & Mckenzie tại Hồng Kông, đơn vị đại diện các nhà sản xuất châu Âu trong cuộc chiến sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc 10 năm qua nói: “Đây quả là tin tuyệt vời”. Dù vậy ông cũng không quên gài thêm: “Phải chăng  họ đã quyết định làm trong sạch thị trường? Tôi nghi ngờ điều đó”.

Quả thực ngay ngày thứ 2 tuần kế tiếp sau hội nghị, tại các chợ khắp Bắc Kinh toàn bộ các gian hàng bán hàng giả, hàng nhái lại tấp nập kẻ bán người mua như chưa có chuyện gì xảy ra. “Có một cuộc họp lớn. Nhiều người quan trọng từ nước ngoài sẽ tới”, một cô gái bán hàng tại Chợ tơ lụa đường phố ở trung tâm Bắc Kinh giải thích nguyên do cô được ông chủ yêu cầu giấu toàn bộ quần jean giả trong 2 tuần. “Khi ấy ngày nào cảnh sát cũng tới. Nhưng giờ chúng tôi được thông báo là họ sẽ không quay lại”.

Và do vậy các giá treo hàng của cô lại đầy ắp các loại quần jean nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Levis, Diesel, Dolce & Gabbana và Armani với giá chỉ tầm 15 USD/cái cho ai khéo mặc cả. Một trung tâm hàng giả nổi tiếng khác là chợ Yashou cũng nhanh chóng mở cửa trở lại sau khi hội nghị của WIPO kết thúc. Các thùng hàng giả, hàng nhái được lôi ra từ phía sau quầy hàng. Trước đó suốt 2 tuần ở đây chỉ bày lèo tèo vài sản phẩm của Trung Quốc theo lệnh từ cảnh sát.

Trong bản báo cáo gửi tới đại diện thương mại Mỹ tại Trung Quốc hồi đầu năm nay, Liên minh quốc tế chống hàng giả, một tổ chức do các công ty quốc tế lập ra khẳng định Trung Quốc “vẫn là nguồn cung cấp hàng giả số 1 thế giới”.

Trong đó dễ nhận thấy nhất đó là sự tràn lan của hàng nhái tại Chợ tơ lụa đường phố Bắc Kinh, một khu kinh doanh rộng lớn với 6 tầng. Tại đây người ta có thể tìm thấy hầu như mọi món “hàng hiệu” với giá rẻ. Từ túi xách Louis Vuitton, những chiếc iPhone nhái, những đôi giày Tods bóng lộn, đồng hồ Rolex, áo Paul Smith…

Cho dù công ty sở hữu khu chợ này đã bị xử thua trong hàng loạt vụ kiện vi phạm thương hiệu suốt 5 năm qua, họ chỉ phải nhận những mức phạt rất nhẹ. “Chợ tơ lụa đường phố Bắc Kinh chính là biểu tượng cho sự thiếu thiện chí chính trị của Trung Quốc. Họ cứ để nó tồn tại”, luật sư Simone khẳng định.

Thanh Tùng
Tổng hợp