Chưa kịp khởi sắc, ngành công nghiệp khẩu trang của Trung Quốc đã "vụt tắt"

(Dân trí) - Từng là một ngành cực hot trong những tháng đại dịch Covid-19, song giờ đây, các nhà máy sản xuất khẩu trang mới nổi tại Trung Quốc chưa kịp đi vào hoạt động kiếm lời đã phải đóng cửa.

Chưa kịp khởi sắc, ngành công nghiệp khẩu trang của Trung Quốc đã vụt tắt - 1
Tại Trung Quốc, hàng chục nghìn các cơ sở sản xuất khẩu trang mọc lên khi khan hiếm nguồn cung khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. Ảnh: SCMP

Vào tháng 4 năm nay, khi cơn sốt khẩu trang trên thế giới vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, nhà sản xuất bộ phận máy móc ở Thường Châu của ông Mo Xiaoyi đã tích trữ hàng nghìn tấn vải tan chảy và vải không dệt - hai vật liệu thiết yếu cho sản xuất khẩu trang, với mức giá cao ngất ngưởng.

Tại một hòn đảo nhỏ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ông Li - chủ một nhà máy sản xuất đồ nội thất đã đầu tư hơn 2 triệu NDT (khoảng 282.685 USD) vào 6 dây chuyền sản xuất vải tan chảy, nhưng đã bị chính quyền địa phương đóng cửa nhà máy khi chưa kịp sản xuất một mét vải nào.

Những vật liệu may khẩu trang chỉ vài tháng trước thôi vẫn được coi như là “bụi vàng”, giờ đây đã trở thành vật vô giá trị.

Cơn sốt khẩu trang trong một vài tháng trước đây còn được đánh giá cao hơn gấp nhiều lần so với cơn sốt vàng tại California, Mỹ. Khách hàng quốc tế, thương nhân địa phương ồ ạt đến đặt hàng, khiến những nhà máy sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế "mọc lên như nấm".

Giờ đây, khi cơn sốt “vàng” đã hạ nhiệt, nơi đây chẳng khác gì những thị trấn ma. Những lời hứa hẹn về những khoản lợi nhuận khổng lồ đã thu hút hàng chục nghìn nhà đầu tư, dù am hiểu hay không am hiểu về quy trình sản xuất khẩu trang, đến với ngành công nghiệp “tỷ đô” này.

Chưa kịp khởi sắc, ngành công nghiệp khẩu trang của Trung Quốc đã vụt tắt - 2
Trong những tháng đầu năm nay, không chỉ tại Trung Quốc mà trên khắp thế giới, khẩu trang còn “quý hơn vàng”. Ảnh: SCMP

Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, đã có hơn 70.802 các doanh nghiệp mới đăng ký sản xuất và xuất khẩu khẩu trang tại Trung Quốc, tăng 1.256% so với một năm trước đây.

Cũng trong khi đó, có đến 7.296 công ty mới đăng ký sản xuất hoặc kinh doanh vải tan chảy, thành phần thiết yếu để sản xuất khẩu trang, tăng 2.277% so với một năm trước đó.

Dần dần, phong trào mới nổi này đã bắt đầu hạ nhiệt chút đỉnh vào tháng 5, với số lượng đăng ký mới cho khẩu trang và vải tan chảy giảm 70,84% và 57,6% so với đỉnh điểm hồi tháng 4.

Vào tháng 5, xuất khẩu thiết bị và vật tư y tế của Trung Quốc đã tăng 89% so với một năm trước đó, với những nhu cầu mới xuất hiện khi đại dịch Covid-19 hoành hành ở những nơi khác trên thế giới, ngay cả khi nhiều quốc gia châu Âu và châu Á đã manh nha đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu cơ đã buộc phải rời khỏi ngành do chính phủ thay đổi quy tắc xuất khẩu, yêu cầu cấp phép chặt chẽ hơn và nhu cầu thị trường giảm đi đáng kể đối với các sản phẩm kém chất lượng.

Huang Wensheng là chuyên viên quản lý của Shandong Jofo Nonwoven, và đã sản xuất vải không dệt tại nhà máy ở phía đông Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua.

Ông Huang cho hay, đã có khoảng một nửa các nhà máy sản xuất khẩu trang trong khu vực này bị đóng cửa, chủ yếu là các nhà máy mọc lên sau khi virus được kiểm soát ở Trung Quốc và bị cáo buộc là sản xuất sản phẩm không đạt chất lượng.

“Khi dịch bùng phát, mọi người sẽ mua bất cứ loại khẩu trang có sẵn nào, nhưng khi tình hình được cải thiện và số lượng người đeo khẩu trang giảm đi, người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, và những nhà sản xuất không đủ tiêu chuẩn này dĩ nhiên sẽ bị loại khỏi thị trường”, ông Huang nhấn mạnh.

Tại Thường Châu, chỉ vỏn vẹn trong ba tuần, Mo Xiaoyi đã hoàn thiện được dây chuyền sản xuất khẩu trang của mình và sau đó bán mỗi chiếc khẩu trang ra với giá 6,5 NDT (khoảng 0,92 USD) hồi cuối tháng 4.

“Quy trình sản xuất cũng chẳng có gì phức tạp cả”, ông Mo cho hay. “Tôi không cần chào hàng gì, người mua cũng đỗ xe tải thành hàng dài trước cổng nhà máy của tôi. Họ trả tiền để mua tất cả các loại khẩu trang tôi có thể sản xuất, mà không cần có giấy chứng nhận hay kiểm định chất lượng.”

Tuy nhiên, giấc mơ dù đẹp đến mấy cũng sẽ tan biến.

Giờ đây, các cơ quan hải quan Trung Quốc đã áp dụng biện pháp kiểm định nghiêm ngặt hơn đối với việc xuất khẩu khẩu trang để đảm bảo kiểm soát chất lượng cũng như uy tín của Trung Quốc, sau khi nhà sản xuất lớn nhất thế giới phải đối mặt với khiếu nại từ một số chính phủ và bệnh viện ở nước ngoài về nguồn cung cấp y tế kém chất lượng.

Ông Mo cho rằng, bản thân ông vẫn còn gặp may mắn khi trước đó chỉ mua trung bình 117.000 NDT cho mỗi tấn vải không dệt để vào kho dự trữ, trong khi nhiều đồng nghiệp của ông phải trả đến 150.000 NDT.

Ông Wang, một ông chủ nhà máy sản xuất thiết bị nhà bếp tại Yangzhong đã chịu sự cám dỗ, bỏ tiền ra đầu tư mở nhà máy sản xuất vải vào hồi tháng 3 năm nay sau khi những người bạn đưa ra lời gợi ý làm ăn với lời hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ.

Sau khi đầu tư vào bảy dây chuyền sản xuất, ông đã bán vải cho các nhà máy sản xuất khẩu trang nhỏ lẻ ở các tỉnh An Huy, Phúc Kiến và Hà Nam, mặc dù không có kinh nghiệm cũng như giấy phép.

Cho đến ngày 15/ 4, chính phủ Yangzhong đã bắt đầu chiến dịch kiểm định thị trường sản xuất vải không dệt, và đóng cửa 867 công ty sản xuất vải.

“Nhà máy sản xuất đồ nội thất của tôi không thể hoạt động trong đại dịch, tôi phải tìm cách khác để kiếm tiền”, ông Wang than phiền. “Tôi nhìn thấy bạn bè thế chấp nhà cửa để mở nhà máy sản xuất, thu về lợi nhuận lớn và tôi cũng bắt đầu đầu tư. Mỗi dây chuyền có giá trị đến vài chục nghìn tệ”.

Những nhà đầu cơ giờ đây đã phải chịu quả đắng. Các ông chủ trên đều cho biết họ sẽ quay trở lại với công việc trước kia của mình. Tuy vậy, những nhà sản xuất đều này hy vọng cuối cùng họ có thể thu về được tiền lãi từ khoản đầu tư của mình.

“Tôi đang chờ đợi đến thời điểm vàng. Hy vọng sẽ có thêm một đợt dịch Covid-19 thứ hai vào mùa đông năm nay”, ông Mo Xiaoyi ở Thường Châu chia sẻ.

Hương Vũ

Theo SCMP