Trung Quốc nguy hơn Hy Lạp
Bắc Kinh “đang hoảng loạn và thiếu niềm tin vào thị trường tài chính của chính mình”.
Trong khi sự lo ngại khắp thế giới đổ dồn về Hy Lạp, một mối đe dọa lớn hơn nhiều được cho là đang nằm ở Trung Quốc. Sự trượt dốc thê thảm của thị trường chứng khoán nền kinh tế thứ hai thế giới khiến ít nhất 3.200 tỉ USD “bốc hơi” trong 3 tuần qua, tương đương gần 14 lần GDP của Hy Lạp, quốc gia vừa tuyên bố vỡ nợ.
Sau khi tạm ngưng tuột dốc hôm 6/7, chỉ số CSI300 của các công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán tại TP Thượng Hải và TP Thâm Quyến đã giảm 2% trong phiên giao dịch hôm 7/7. Cùng chung số phận là chỉ số Shanghai Composite, giảm 3,4%. Đáng chú ý, chỉ số ChiNext - chỉ số gồm các công ty nhỏ hơn của Trung Quốc - giảm đến 5,1%.
Ngoài ra, nhà đầu tư ngày càng hoang mang trước việc 3.000 công ty - một số lượng lớn khác thường - yêu cầu tạm ngừng giao dịch cổ phiếu của mình trên 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến trong ngày 6 và 7/7.
Diễn biến đáng lo ngại này dường như đi ngược lại tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đăng tải trên trang web chính phủ trước khi thị trường chứng khoán mở cửa hôm 7-7, theo đó khẳng định Bắc Kinh tự tin và có khả năng giải quyết các thách thức của nền kinh tế. Tuyên bố hoàn toàn không đả động đến sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán thời gian qua.
Theo một loạt biện pháp được công bố vào cuối tuần rồi, 21 công ty môi giới chứng khoán lớn của Trung Quốc cam kết chi 128 tỉ nhân dân tệ (20,6 tỉ USD) mua cổ phiếu nhằm đáp ứng cam kết bình ổn thị trường. Ngoài ra, khoảng 57 công ty quản lý quỹ cũng bắt đầu chi 2,16 tỉ nhân dân tệ để mua các cổ phiếu thường. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cấp quỹ “bảo vệ sự ổn định của thị trường chứng khoán” và hàng loạt đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị tạm ngưng.
Đài BBC gọi sự vào cuộc sốt sắng của Bắc Kinh là một sự “hoảng loạn” và phản ánh tình trạng thiếu niềm tin của chính phủ đối với thị trường tài chính của chính mình. Giới phân tích thường ví von thị trường chứng khoán Trung Quốc như một sòng bạc khi diễn biến giá cổ phiếu thường không mấy liên hệ với các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, các nhà quan sát lại cho rằng động thái giải cứu của Bắc Kinh chỉ có lợi cho giới đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp lớn, uy tín và “bỏ rơi” các nhà đầu tư nhỏ vốn chiếm phần lớn trong số khoảng 90 triệu nhà đầu tư chứng khoán nước này.
Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc hôm 7-7 làm dấy lên những lo ngại về khả năng ổn định thị trường của những nhà hoạch định chính sách nước này.
Theo chuyên gia phân tích Tề Dịch Phong, thuộc hãng tư vấn tài chính CEBM (Trung Quốc), các biện pháp trợ giúp của chính phủ không đủ mạnh để đảo ngược tình thế, đặc biệt là trước “thói quen” các nhà đầu tư vay nợ để mua cổ phiếu rồi bán ra khi bắt đầu có biến động. “Đây chỉ là vấn đề liệu thị trường sẽ trượt giảm chậm hơn hay tiếp tục rơi tự do” - ông Tề nhận định.
Theo BBC, Trung Quốc có phần ảo tưởng vào niềm tin mong manh rằng thị trường của họ “quá lớn để sụp đổ”. Đài này còn cảnh báo các biện pháp trợ giúp của chính phủ thậm chí có thể khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc vấp phải phản ứng ngược. Trong khi đó, các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng lo ngại về nguy cơ thị trường chứng khoán sụp đổ toàn diện khiến kinh tế Trung Quốc thực sự khủng hoảng.