Trung Quốc mạnh tay xử lý thực phẩm bẩn

Liên tiếp các vụ scandal về an toàn vệ sinh thực phẩm khiến dư luận vô cùng lo ngại và chính phủ Trung Quốc mới đây đã ban hành kế hoạch 3 năm với nhiều điều khoản phạt nặng các cơ sở sản xuất thực phẩm kém chất lượng nhằm giải quyết vấn nạn này.

Mối lo toàn xã hội

 

Khởi đầu chuỗi tin tức nóng về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc chính là scandal sữa nhiễm melamine năm 2008. Hậu quả khiến 6 trẻ em thiệt mạng và 300.000 trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng sau khi uống sữa nhiễm melamine. Kể từ đó, thông tin về những cách sản xuất và chế biến thực phẩm bẩn kinh hoàng được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng gần như hàng ngày khiến người tiêu dùng ngày càng lo sợ.

 

Dầu tái chế từ nước thải nhà hàng; bánh bao bẩn được "làm mới" bằng vô số hóa chất; thịt lợn có chất siêu tạo nạc clenbuterol; tai lợn giả và mới đây nhất, cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện đường dây sản xuất bia giả từ axit hydrochloric và formanldehyde - dung dịch khử trùng dùng trong ướp xác.
 
Trang

 

Trang China Daily trích lời một số người tiêu dùng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc của họ về vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua.

 

Jiang Yu, 26 tuổi, nhân viên PR tại một công ty ở Thượng Hải, cho biết: "Vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc nghiêm trọng tới nỗi tôi gần như mất hết niềm tin vào phần lớn các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Các chuyên gia làm luật nên cải tiến luật về an toàn thực phẩm và những người chịu trách nhiệm sản xuất, phân phối thực phẩm bẩn nhất định phải bị trừng phạt thật nặng".

 

Luo Bi, 26 tuổi, phóng viên tại Quảng Đông, nhận xét: "Các vụ scandal về an toàn thực phẩm xảy ra gần như hàng ngày. Nào là gạo nhiễm độc kim loại nặng, dầu ăn từ nước thải nhà hàng... Vấn đề đáng lo ngại tới mức tôi nghi ngờ chính phủ có thể giải quyết được chỉ trong vài năm".

 

Tờ Telegraph đưa tin, các vận động viên Trung Quốc tham dự Olympic London vào cuối tháng này cũng tẩy chay thịt lợn vì sợ nguy cơ nhiễm độc cao. Giới chức thể thao Trung Quốc rất lo lắng trước khả năng suy giảm thành tích thi đấu của vận động viên.

 

Huấn luyện viên đội bóng chuyền nữ, Yu Jeumin, trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới sau khi đội tuyển thua tới 4 trận, cho biết: "Chúng tôi không dám ăn thịt khi thi đấu ở nước ngoài vì sợ chất clenbuterol. Và nó thực sự đã ảnh hưởng tới sức mạnh của chúng tôi".

 

“Làm sạch” thực phẩm bẩn trong 3 năm

 

Hôm 3/7 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã ban hành kế hoạch 3 năm với nhiều điều khoản nghiêm khắc nhằm đối phó với chất lượng thực phẩm ngày càng xuống cấp. Theo đó, việc giám sát hiệu quả và những hình phạt thích đáng dành cho các đơn vị/cá nhân cố tình vi phạm luật được xem là điểm mấu chốt của kế hoạch trên.

 

Văn bản chính thức nêu rõ: "Ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm và những hành vi phạm pháp vẫn thường diễn ra".

 

Trước tình hình này, chính phủ sẽ phát động chiến dịch triệt phá các cơ sở/cá nhân sản xuất thực phẩm bẩn. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn vệ sinh - an toàn thực phẩm sẽ được cải thiện và hệ thống hỗ trợ về kỹ thuật cũng sẽ được triển khai rộng khắp nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm nói chung ở Trung Quốc sau 5 năm nữa.

 

Chuyên gia về an toàn thực phẩm kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Bao bì Thực phẩm Quốc tế ở Bắc Kinh, ông Dong Jinshi, cho biết: "Các vấn đề chính liên quan tới vấn nạn vệ sinh - an toàn thực phẩm đều xuất phát từ khâu sản xuất, ví dụ như việc sử dụng các phụ gia bị cấm và quy trình chế biến không đảm bảo tại nhiều cơ sở quy mô nhỏ".

 

Cũng theo bản kế hoạch vừa công bố, vệ sinh - an toàn thực phẩm cũng sẽ trở thành tiêu chí đánh giá hoạt động của chính quyền địa phương hàng năm. Dữ liệu về mức độ an toàn của các công ty thực phẩm cũng được công khai tới người dân bên cạnh danh sách đen những đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Các quan chức phụ trách chất lượng thực phẩm ở địa phương có nhiệm vụ ngăn chặn thực phẩm hết hạn xâm nhập lại thị trường; còn người tiêu dùng sẽ được thưởng tiền mặt nếu phát hiện thực phẩm kém chất lượng.

 

Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại rằng các biện pháp nằm trong kế hoạch 3 năm của chính phủ Trung Quốc không dễ dàng thực hiện vì vẫn còn thiếu điều khoản liên quan tới trách nhiệm và hình thức xử phạt các quan chức nếu để xảy ra scandal an toàn thực phẩm.

 

"Các vấn đề sữa bẩn, sữa có sử dụng phụ gia bị cấm vẫn tồn tại ngay sau vụ tai tiếng sữa nhiễm melamine năm 2008", cựu phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Sữa Quảng Đông, bày tỏ. "Hình thức xử lý đối với các công ty thực phẩm và quan chức địa phương điều hành kém trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, do đó, chẳng có tính răn đe và ngăn chặn. Rất nhiều quan chức địa phương chỉ quan tâm tới việc phát triển kinh tế. Khi tai nạn thực phẩm xảy ra, một số người cố gắng giấu diếm thay vì giải quyết triệt để".

 

Theo Khánh Huyền

VTCNews