Bó tay trước táo độc Trung Quốc "phù phép"?

Khi mua lẻ, khách hàng hỏi giấy tờ nguồn gốc xuất xứ… hầu hết các chủ hàng đều có câu trả lời "giấy tờ thì người nhập khẩu có chứ bán lẻ lấy đâu ra". Thậm chí người bán nói thẳng "có giấy tờ cũng chẳng đảm bảo được đúng là của lô táo này".

Thông tin táo Trung Quốc được sử dụng túi tẩm thuốc sâu để bọc táo từ nhỏ cho tới lúc chín khiến nhiều người lo ngại về tính an toàn khi sử dụng loại trái cây này. Theo tìm hiểu của PV, các loại táo Trung Quốc hiện nay bán phổ biến tại các chợ lớn ở Hà Nội như Trương Định, Long Biên, Đồng Xuân…

Tuy nhiên, táo trung quốc trồng kiểu bọc thuốc sâu từ còn non có nhập khẩu về Việt Nam bán hay không cần có sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Theo các tiểu thương tại chợ Long Biên, thì hàng ngày vẫn đón nhận hàng trăm lượt xe tải chở trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu chính đổ về cung cấp cho TP Hà Nội và đổ vào miền Trung và miền Nam để tiêu thụ và phần lớn là theo đường tiểu ngạch.

Theo Chị Hồng bán buôn hoa quả tại chợ Long Biên cho biết, hàng ngày (4 -5h sáng) chị ra nhận mối đổ hàng hoa quả từ cửa khẩu nhập về. Theo chị Hồng chỉ biết hoa quả táo, lê, nho, xoài, thanh long, cam, quýt… mùa nào thức ấy đủ loại được nhập về từ Trung Quốc rồi đổ buôn lại cho các tiểu thương khác tại các chợ Hà Nội.

Bó tay trước táo độc Trung Quốc `phù phép`?

Nhiều loại hoa quả đẹp mắt nhưng không rõ nguồn gốc bày bán tràn ngập các chợ

Khi được hỏi có thông tin về táo Trung Quốc nhiễm thuốc sâu từ khi còn non, chị Hồng cho rằng, giá cả thuận mua vừa bán thì lấy hàng còn thông tin táo bọc giấy chứa thuốc sâu từ khi còn non thì chị chưa nghe thấy bao giờ. Chị Hồng tỏ ra thản nhiên "nhiều loại hoa quả còn có cả thuốc bảo quản tươi lâu khi vận chuyển, thuốc kích thích tăng trưởng… người ta mua về ăn có sao đâu?".

Theo tìm hiểu của PV, thị trường trái cây trong nước đang tràn ngập các loại trái cây Trung Quốc phần lớn được nhập khẩu qua các cửa khẩu tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Tuy nhiên, nhiều tiểu thương đã "hô biến" hoa quả Trung Quốc thành nhiều loại hoa quả nhập về từ các nước khác để đánh lừa người tiêu dùng và bán giá cắt cổ.

Chẳng hạn như táo Trung Quốc được dán nhãn mác táo Mỹ, lê Trung Quốc được phù phép thành lê Úc, dâu tây Trung Quốc thành dâu tây Đà Lạt, Pháp… các chủ quầy ra sức chào mời, với cam đoan 100% hàng ngoại nhập khẩu, đảm bảo chất lượng, giá cả từ 150 đến 300 ngàn đồng/kg, tùy loại.

Khi hoa quả ở chợ đầu mối được vận chuyển đi các cửa hàng cũng như các sạp hoa quả nhỏ lẻ trên địa bàn TP Hà Nội, thì hoa quả Trung Quốc biến thành hoa quả “xịn” nhập từ Thái, Úc, Mỹ.., tìm mỏi mắt không thấy trong khi trái cây ngoại với các xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) thì trái cây nhập khẩu chính gốc có quy trình kiểm dịch, thủ tục hải quan nghiêm ngặt từ phía nước xuất và nước nhập. Cụ thể, trái cây từ Australia, Mỹ, Trung Quốc… muốn nhập vào Việt Nam phải có giấy kiểm dịch và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.

Bó tay trước táo độc Trung Quốc `phù phép`?

Hàng ngày có tới cả trăm tấn táo Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch đổ về các chợ đầu mối không tem nhãn, một phần trong số đó sẽ được dán tem châu Âu, Mỹ để bán lẻ

Ngoài ra, khi vào Việt Nam DN nhập khẩu phải có tờ khai hàng hóa nhập khẩu ghi rõ số lượng, chủng loại, nguồn gốc... được Hải quan xác nhận, và có Giấy phép Kiểm dịch Thực vật Nhập khẩu cũng như chứng nhận kiểm dịch cho từng lô hàng.

Theo ông Tiệp thì để không bị mắc lừa những người bán trái cây trôi nổi, người tiêu dùng có thể yêu cầu chủ hàng xuất trình các giấy tờ nói trên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, khi mua lẻ, khách hàng hỏi giấy tờ nguồn gốc xuất xứ… hầu hết các chủ hàng đều có câu trả lời "giấy tờ thì người nhập khẩu có chứ bán lẻ lấy đâu ra". Thậm chí người bán nói thẳng "có giấy tờ cũng chẳng đảm bảo được đúng là của lô táo này".

Theo đại diện Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thì người tiêu dùng nhiễm phải các loại thuốc bảo quản hoa quả có thể dẫn đến các triệu chứng rối loạn tim, phổi, thần kinh và các triệu chứng về máu và các bệnh về da. Trên thực tế vẫn còn lượng không nhỏ hoa quả táo, lê, nho, cam quýt… nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch bán trôi nổi trên thị trường. Thông tin táo Trung Quốc nhiễm thuốc sâu có nhập về VN hay không cần sự vào cuộc kiểm tra liên ngành tại các cửa khẩu, chợ đầu mối.

Trao đổi với PV đại diện Chi cục Quản lí thị trường Hà Nội thừa nhận, mặc dù việc chống hàng giả là trách nhiệm của QLTT, nhưng muốn phát hiện có đúng trái cây Trung Quốc dán nhãn mác ngoại, nhiễm hóa chất hay không thì phải kiểm tra giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nhưng hiện nay cơ quan vẫn chưa thực hiện được việc “bắt buộc” phải có chứng nhận nguồn gốc đối với hoa quả nhập khẩu, mặc dù đã có quy định, nên không phải lúc nào cũng kiểm soát được…

Theo Nguyễn Hiếu
Infonet