Trung Quốc lập AIIB: Đại diện WB khẳng định "càng đông càng vui"
(Dân trí) - Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, hiện nay nhu cầu phát triển hạ tầng rất lớn, việc có thêm một định chế tài chính sẽ vừa tăng thêm vốn đầu tư vừa đảm bảo hoạt động đầu tư mang lại hiệu quả lớn nhất trong thời gian ngắn nhất.
AIIB cũng đang được đem ra so sánh và nhiều ý kiến quan ngại rằng đây sẽ là một "đối thủ" tiềm tàng với những định chế tài chính lâu đời như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Về những quan ngại này, tại buổi họp báo diễn ra sáng ngày 13/4, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế Trưởng Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới chia sẻ: “Quan điểm của chúng tôi là “càng đông càng vui”! Hiện nay nhu cầu phát triển hạ tầng trong khu vực là rất lớn, việc có thêm một định chế tài chính sẽ vừa tăng thêm vốn đầu tư vừa đảm bảo hoạt động đầu tư mang lại hiệu quả lớn nhất trong thời gian ngắn nhất”.
Vị đại diện của WB cũng nhấn mạnh rằng, vẫn còn rất nhiều nơi chưa có nước sạch, chưa có điện và đường, do đó, khi AIIB tham gia sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho khu vực. "Không phải chỉ là vấn đề đạo đức mà những yếu kém trong hạ tầng đang níu tăng trưởng kinh tế của khu vực. Đánh giá của chúng tôi đây là thông tin tích cực, sẽ giúp bổ trợ cho nền kinh tế và giúp các nền kinh tế phát triển hơn", ông Sudhir Shetty nói.
Trước phản ánh cho rằng, AIIB đang “ra sức” tuyển chọn những cán bộ cao cấp nghỉ hưu của WB về làm việc cho mình, ông Sudhir Shetty nói ngắn gọn: “Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh và mừng khi các định chế tài chính khác tuyển thêm được nhiều người tài về làm việc”.
Trước đó, Giám đốc Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cũng từng bày tỏ thiện chí muốn hợp tác với AIIB trong nỗ lực đẩy lùi đói nghèo trên toàn cầu. Ông Kim cho hay, WB sẵn sàng hợp tác với AIIB và một trong những cải tiến là khuyến khích AIIB hỗ trợ tài chính cho các dự án WB điều hành, hướng tới các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và xã hội.
Trả lời trên FT, ông Kim cho hay: “Để kinh tế có thể tăng trưởng và đáp ứng được nhu cầu của dân số tăng lên, thế giới cần phải bơm thêm khoảng 1 - 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm vào đầu tư cầu đường, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác. Dù các ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng trên thế giới chung sức, con số trên vẫn chưa thể đạt được nên sự gia nhập của những “người mới” như AIIB là cần thiết”.