1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng hạ tầng châu Á: Sức hấp dẫn khó cưỡng thời khủng hoảng

(Dân trí) - Với vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD và cam kết cho vay dễ dàng, Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đang tạo ra sức hấp dẫn khó cưỡng khi thu hút tới 50 nền kinh tế tham gia, gồm cả những đồng minh quan trọng của Mỹ.

AIIB ngày càng có sức hút mãnh liệt với các nền kinh tế trên thế giới (Ảnh:
AIIB ngày càng có sức hút mãnh liệt với các nền kinh tế trên thế giới (Ảnh: Wantchinatimes)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Tác động của FDI với nền kinh tế: “Lắm tài, nhiều tật”

* Dưa hấu 500đ/kg bỏ trâu ăn, thanh long rớt giá thảm

* Đừng bất ngờ nếu nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng

* Đại gia mãn nguyện nhờ vợ, Vingroup thêm thương vụ vàng

* 100% DN được thanh tra vi phạm pháp luật BHXH, BHYT

* Vietcombank vẫn úp mở kế hoạch sáp nhập

Trung Quốc đang hái những “trái ngọt” đầu tiên khi lời kêu gọi tham gia AIIB của họ được đáp lại bằng thái độ hào hứng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, bất chấp sự phản đối của Mỹ và cái quay lưng lạnh lùng của Nhật Bản.

Theo danh sách do Chính phủ và Bộ tài chính Trung Quốc cung cấp, tính đến thời điểm chốt nhận đơn tham gia hôm 31/3, thể chế tài chính do Bắc Kinh khởi xướng và cầm trịch này đã nhận được đơn gia nhập của 49 quốc gia và một vùng lãnh thổ. Trong số này có 4 trên tổng số 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 18 trong 34 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và toàn bộ 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đáng chú ý, trong số các nước tham gia AIIB có những nước hữu hảo với Trung Quốc như Nga, Kazakhstan, Myanmar…, nhưng cũng có cả các đồng minh quan trọng của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Úc, Hàn Quốc… Sự đa dạng về thành viên với nhiều hệ thống dân chủ và định hướng thị trường được kỳ vọng sẽ giúp AIIB có cái nhìn bao quát về nhiều vấn đề và xây dựng được cơ chế cho vay thực sự hiệu quả. “Các nước tham gia AIIB có những vị thế nhất định và họ sẽ tiếp tục có nhiều ảnh hưởng lớn hơn trong tương lai”, chuyên gia Christopher Balding thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định.

Tuy nhiên ở một mặt khác, càng nhiều quốc gia tham gia AIIB, việc kiểm soát tình hình càng khó khăn và đạt được đồng thuận cũng không dễ dàng. “Lắm thầy nhiều ma” là điều mà nhiều chuyên gia đang nhắc tới, đặc biệt khi đây là lần đầu tiên Trung Quốc cầm trịch một thể chế tài chính đa phương lớn như thế này.

Thậm chí, một số chuyên gia còn lo ngại Bắc Kinh có thể lợi dụng việc điều hành AIIB để thúc đẩy các lợi ích kinh tế và địa chính trị riêng nhằm khẳng định vị thế cường quốc của mình. Một trong những khả năng có thể xảy ra là AIIB sẽ cấp một phần vốn cho Trung Quốc thực hiện sáng kiến “một con đường, một vành đai” (con đường tơ lụa trên biển và vành đai kinh tế trên đất liền) do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng. Chuyên gia Damien Ma tại viện Paulson ở Washington nhấn mạnh: “Tất cả những thể chế mới được thành lập như AIIB, Quỹ con đường tơ lụa, Ngân hàng BRICS… đều là các phương tiện giúp Trung Quốc từng bước hiện thực hóa tham vọng của mình”.

Ý tưởng thành lập AIIB được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên trong chuyến thăm Indonesia hồi tháng 10/2013 với tham vọng có thể tạo ra các dòng chảy tài chính mới ở châu Á để đầu tư cho các dự án kết nối cơ sở hạ tầng ở hai lục địa Á- Âu. AIIB sẽ có vốn điều lệ 100 tỷ USD, trong đó riêng Trung Quốc góp 50 tỷ USD.

Một số ý kiến khác lại đặt nghi vấn vào việc AIIB sẽ thu hẹp vai trò của Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ chi phối, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) do châu Âu cầm trịch và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản dẫn đầu. Việc Mỹ và Nhật Bản thẳng thừng từ chối tham gia AIIB, thậm chí Mỹ còn liên tiếp cảnh báo các đồng minh phải suy xét cẩn trọng trước khi tham gia AIIB càng củng cố thêm quan ngại này. Thế giới hẳn chưa quên bài học nhỡn tiền về việc Trung Quốc từng phóng khoáng rót tiền vào các dự án tại châu Phi và Mỹ Latinh nhưng chỉ quan tâm tới số lượng thay vì chất lượng, và tìm cách đưa ồ ạt lao động Trung Quốc sang các quốc gia nhận tiền.

Để hóa giải những nghi ngại trong giới chuyên gia cũng như các nước, giới chức lãnh đạo Trung Quốc một mực khẳng định họ không hề có bất kỳ tham vọng bí mật hay mục đích riêng nào trong việc thành lập AIIB. “Đây là một sáng kiến mang lại lợi ích cho nhiều nước và là nhân tố tích cực đóng góp vào trật tự kinh tế quốc tế hiện hành”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Sử Diệu Bân khẳng định, không quên nhấn mạnh rằng “AIIB sẽ được xây dựng trên cơ sở cởi mở, minh bạch và hiệu quả cao”.

Tất nhiên, chẳng phải vì quá tin lời Trung Quốc mà các nền kinh tế thấy nguy vẫn lao vào. Tâm lý cảnh giác ngày càng lớn đối với chi tiêu quốc phòng không ngừng phình to của Trung Quốc, các hoạt động gia tăng căng thẳng liên tiếp của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông, cũng như triển vọng AIIB có thể tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính khu vực và toàn cầu… chắc chắn đang khiến nhiều nước phải dè chừng, thận trọng.

Nhưng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các nước châu Á có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng  nhưng lại khó tiếp cận vốn vay từ các thể chế tài chính lớn (như WB, IMF và ADB), việc AIIB ra đời được coi như một “cứu cánh”. Ngân hàng này sẽ giúp châu Á ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, thay vì phải ngồi chờ sự hỗ trợ nhỏ giọt từ các thể chế tài chính quốc tế do Mỹ, châu Âu và Nhật Bản kiểm soát. Đây là điều đã được nhiều nước châu Á rút ra sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997. Khi đó, các thể chế tài chính quốc tế chỉ phản ứng một cách chậm chạp chứ không ráo riết và quyết liệt như khi khủng hoảng tấn công khu vực đồng euro và Mỹ Latinh.

Theo ước tính, mỗi năm các nước châu Á cần 800 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, ADB và WB chỉ có thể đáp ứng 200 tỷ USD, IMF thậm chí còn chặt tay hơn do châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Rõ ràng nhu cầu phát triển hạ tầng trên toàn châu Á đang nới rộng khoảng cách tài trợ mà các thể chế tài chính cũ không thể lấp đầy, Vì vậy, AIIB rõ ràng là một phương án bổ sung tốt, vừa san sẻ phần nào gánh nặng cho các thể chế tài chính đa phương “đàn anh”, vừa giúp đáp ứng nhu cầu phát triển ở khu vực đang có tốc độ tăng trưởng năng động nhất thế giới. 

Với các nền kinh tế phát triển gồm cả các đồng minh của Mỹ, tham gia AIIB ngoài việc giúp họ tiếp cận với các cơ hội kinh doanh béo bở ở châu Á, còn góp phần đảm bảo tính minh bạch cần có trong thể chế tài chính non trẻ này. Bởi, chỉ bằng cách tham gia sáng lập AIIB, các nước này mới có quyền chi phối quá trình ra quyết sách của AIIB nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tương đồng với mặt bằng chung của “đại gia đình” ngân hàng đa phương hiện nay. Cũng chỉ bằng cách tham gia sâu vào AIIB, các đồng minh của Mỹ mới có thể giúp “chú Sam” ngăn chặn kịp thời những bước đi nguy hiểm của thể chế do người Trung Quốc cầm trịch, đặt trụ sở tại Bắc Kinh và nắm quyền cổ đông chi phối.

Đức Vũ 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”