Trung Quốc lại ồ ạt nhập khẩu gạo nếp Việt Nam

(Dân trí) - Trong năm 2010 Trung Quốc chỉ nhập 5% gạo nếp của Việt Nam, nhưng năm 2016, nước này đẩy mạnh nhập loại gạo này khi tăng lên 43% trong lượng gạo mà nước này nhập khẩu từ Việt Nam. Việc thay đổi hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc khiến các thương nhân tại Long An không biết lấy đâu ra gạo nếp để xuất khẩu.

Đây là chia sẻ của ông Phạm Quang Diệu - Công ty phân tích và dự báo thị trường Việt Nam tại hội thảo bàn về xuất khẩu lúa gạo vừa được tổ chức gần đây, trong đó các phân tích chỉ rõ cơ hội và thách thức đang đặt ra đối với ngành lúa gạo Việt Nam khi thị trường nhập khẩu số 1 là Trung Quốc có nhiều diễn biến mới.

Trung Quốc lại ồ ạt nhập khẩu gạo nếp Việt Nam - 1

Theo ông Diệu, đặc điểm của thị trường Trung Quốc: rất tiềm năng nhưng cực kỳ rủi ro do kênh thương mại gạo chủ yếu là tiểu ngạch (thương nhân với nhau); thị trường gạo Trung Quốc dễ tính nhưng trồi sụt theo các năm và nhu cầu từng thời kỳ. Việc nhiều năm qua, gạo nhập không được nhập chính gạch nên lượng và giá nhập rất bất ổn, nay nhập nhiều, mai nhập ít và rất khó năm bắt xu hướng của thương nhân, thị trường của họ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 2 triệu tấn với kim ngạch gần 1 tỷ USD, giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gần 60% thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam là Trung Quốc, còn lại là các thị trường Phillipines, Bangladesh, Bắc Phi...

"Câu hỏi đặt ra, nếu không có Trung Quốc thì gạo Việt sẽ như thế nào? Thị trường gạo của Trung Quốc không còn dễ tính, không còn chuộng gạo giá rẻ nữa. Họ đã có những đòi hỏi gạo chất lượng hơn, sạch hơn", ông Diệu cho hay.

Ông Diệu lo ngại: Việc Trung Quốc liên tục thay đổi lượng gạo nhập, loại ngoại khiến thị trường gạo của Việt Nam, nơi có sự phụ thuộc vào Trung Quốc lớn đang xáo trộn rất lớn, ảnh hưởng dây truyền.

"Nhập khẩu gạo nếp, gạo thơm của Trung Quốc trong năm 2016 đạt trên 63% tổng lượng nhập khẩu, như vậy cơ cấu nhập khẩu gạo Trung Quốc đang thay đổi. Câu chuyện này lộ điểm yếu của Việt Nam như: thống kê, dự báo thị trường, tính toán cung cầu, nắm chắc về số lượng chủng loại cơ cấu diện tích của ngành lúa gạo làm chưa thật tốt", ông Diệu nói.

Trong khi đó, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay Thái Lan đã mở hết kho dự trữ, hiện tại không còn áp lực cạnh tranh gạo dự trữ với Thái Lan nữa, điều này giúp gạo Việt Nam thâm nhập các thị trường truyền thống dễ hơn.

Theo phân tích của doanh nghiệp chuyên nghiên cứu thị trường gạo, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu gạo nếp, gạo thơm của Việt Nam thời gian gần đây là thực tế, nhưng nhu cầu thị trường Trung Quốc về gạo nếp cần được thống kê, cảnh báo và dự đoán thị trường. Điều này rất cần để hạn chế rủi ro nếu Việt Nam phát triển đại trà, mở rộng diện tích gạo nếp, gạo thơm phục vụ xuất sang Trung Quốc.

An Linh