Trung Quốc lạc quan vào trái phiếu Chính phủ Mỹ

(Dân trí) - Trung Quốc tiếp tục mua lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ ở mức kỷ lục bất chấp những lo ngại gần đây của chính nước này về khả năng USD sụp đổ.

Nhiều quan chức đứng đầu Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Ôn Gia Bảo gần đây liên tục thể hiện sự lo ngại về khả năng chính sách kinh tế của Mỹ sẽ khiến đồng USD sụp đổ và lạm phát tăng cao.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét Trung Quốc đang mắc kẹt trong “bẫy USD” và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục rót tiền vào trái phiếu Chính phủ Mỹ - công cụ đầu tư duy nhất trên thị trường đủ lớn và thanh khoản để hấp thu nhu cầu đầu tư lớn từ phía Trung Quốc.

Chỉ riêng trong tháng 3/2009, Trung Quốc tiếp tục mua thêm 23,7 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, tổng lượng nắm giữ của phía Trung Quốc lên tới 768 tỷ USD. Trong tổng lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu, Trung Quốc nắm 25%.

Vụ sụp đổ của 2 công ty cho vay thế chấp bất động sản lớn nhất của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac khiến Trung Quốc phải đổi chiến lược đầu tư, mua nhiều chứng khoán ngắn hạn thay cho các loại trái phiếu và giấy tờ có giá loại dài hạn.

Phương thức đầu tư này ngày một phổ biến bởi dự đoán phía Mỹ sẽ phải tăng lãi suất trong trung hạn để kiềm chế lạm phát khi chính phủ nước này phải in tiền ngày một nhiều hơn. Trong tuần trước, USD lập đáy thấp nhất năm 2009 so với các loại tiền tệ lớn khác.

Quyết tâm của Trung Quốc trong việc mua nợ chính phủ Mỹ đang giúp chính phủ Mỹ có tiền bù đắp thâm hụt ngân sách. Đại diện chính phủ Mỹ nhận định chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ quay lưng với trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Về dài hạn, Trung Quốc sẽ giảm bớt quy mô dự trữ ngoại tệ, giảm phụ thuộc vào trái phiếu Chính phủ Mỹ bằng cách khuyến khích các tập đoàn nhà nước sử dụng dự trữ ngoại tệ này tiến hành thâu tóm công ty nước ngoài.

Tổng số vốn cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc năm 2008 tăng lên mức 52,2 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2007. Trung Quốc mới đây đã nới lỏng quy định đầu tư ra nước ngoài cho các công ty nội địa.

Ngọc Diệp (theo FT)