Trung Quốc khẩn cấp tích trữ hàng hoá chiến lược, vì sao?

Nhật Linh

(Dân trí) - Trung Quốc đang tích cực mua các loại hàng hoá chiến lược và thực phẩm từ nước ngoài để dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh rủi ro toàn cầu đang ngày càng gia tăng.

Dẫn nguồn tin từ Refinitiv, tờ Nikkei Nhật Bản cho biết, trong tháng 7 vừa qua, các tàu chở dầu Stream và Snow từ Iran đã cập cảng Huệ Châu của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cung cấp dầu thô cho các kho dự trữ của Tập đoàn Hoá chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec). Vào năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã cho xây dựng một kho dự trữ dầu thô do nhà nước quản lý tại cảng này.

Trung Quốc khẩn cấp tích trữ hàng hoá chiến lược, vì sao? - 1
Trong 7 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Reuters)

Các tàu chở dầu xuất phát từ Iran đã nhiều lần cập cảng Trung Quốc trong tháng 8 và dự kiến sẽ hoạt động nhộn nhịp trong tháng 9 này. Theo số liệu chính thức được công bố, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 32 triệu tấn dầu thô, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Trung Quốc tăng cường dự trữ dầu thô diễn ra trong bối cảnh lo ngại về tác động tiềm tàng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và những căng thẳng với Mỹ khiến nước này có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận các loại hàng hóa mà Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Bắc Kinh muốn giữ mức dự trữ cao nhằm tránh tình trạng thiếu hụt, gây xáo trộn trong nước.

Bắc Kinh được cho là đang mua các loại tài nguyên khoáng sản trên thị trường giao ngay nhằm bổ sung cho nguồn cung từ các hợp đồng dài hạn. Theo tờ Nikkei, Trung Quốc được cho là đã tận dụng cơ hội giá dầu lao dốc trong mùa xuân vừa qua để tăng nguồn dự trữ chiến lược.

Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ bí mật về số liệu dự trữ quốc gia và hầu như không có số liệu nào được công bố. Nhưng có thông tin cho rằng, trong tháng 8, Trung tâm thông tin Antaike Bắc Kinh – một cơ quan thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc – đã khuyên chính phủ tăng lượng dự trữ Coban lên 2.000 tấn. Coban là một chất được sử dụng trong sản xuất pin lithium-ion và một số ứng dụng khác. Ngoài ra, việc Trung Quốc thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi đối với các loại xe điện cũng làm tăng nhu cầu đối với kim loại này.

Theo tờ Nikkei, chính phủ Trung Quốc đã mua hơn 2.000 tấn coban trong năm 2015 và mức tương tự trong năm 2016. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho các chuyến hàng chở Coban từ Congo về Trung Quốc bị gián đoạn. Congo là quốc gia chiếm phần lớn nguồn cung Coban cho thế giới. Các nhà quan sát thị trường dự đoán, giá kim loại này sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm nay khi nhu cầu của Trung Quốc bắt đầu hồi phục.

Ngoài dầu và kim loại ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng yêu cầu thực hiện các bước tương tự để nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Luật dự trữ phân bón, bao gồm trợ cấp cho các kho dự trữ của tư nhân, đã có hiệu lực vào tuần trước. Luật này nhằm thúc đẩy dự trữ đối với nguồn phân bón ni tơ và phốt pho, nhằm đảm bảo nguồn cung phân bón trong trường hợp lũ lụt hay thảm hoạ thiên nhiên khác như thay đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn.

Dự trữ lương thực của Trung Quốc cũng luôn ở mức cao, trừ đậu nành.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong niên vụ 2019-2020, Trung Quốc đã có hơn 150 triệu tấn lúa mì, tăng 30% so với ba năm trước đó. Trong khi dự trữ gạo của nước này cũng tăng gần 20% so với cùng kỳ với hơn 110 triệu tấn. Dự trữ ngô tuy giảm còn 20 triệu tấn song xu hướng chung là vẫn tăng dần.

Chính phủ của ông Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống lãng phí lương thực và tiêu dùng hoang phí vì hai lý do.

Một là, Trung Quốc lo ngại rằng, nếu việc thu hoạch ngũ cốc ở nước ngoài kém, nước này sẽ không thể thu mua đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ trong nước. Năm ngoái, Trung Quốc đã mua gần 90 triệu tấn đậu nành, chiếm khoảng 60% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu. Nhu cầu này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do tăng trưởng kinh tế làm thay đổi thói quen ăn uống của người tiêu dùng.

Hai là Bắc Kinh lo ngại, căng thẳng trong quan hệ với Washington leo thang có thể khiến nước này gặp khó trong việc tiếp cận thị trường.

Trung Quốc có thể sẽ không giảm mua trong ngắn hạn và trung hạn, song chính phủ của ông Tập có thể xem xét các rủi ro liên quan đến mối quan hệ quốc tế để cân nhắc việc mua hàng, đại diện của một tổ chức thương mại lớn tại Nhật Bản nhận định.

Các báo cáo hồi tháng 4 cho thấy, Trung Quốc đã tăng cường dự trữ đậu nành, ngô và dầu ăn. Với tình hình lũ lụt ở sông Dương Tử, cùng với đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm ở nước ngoài, Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp tục tăng cường nguồn dự trữ và sử dụng việc mua đậu nành và các loại nông sản khác như một con bài trong đàm phán với Mỹ.