Trung Quốc gom mua ồ ạt hàng hóa, nguyên liệu dạng thô của Việt Nam

An Linh

(Dân trí) - Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh song các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn  nhập khẩu ồ ạt hàng hóa, nguyên liệu của Việt Nam, đa số các sản phẩm này là dạng thô, giá trị thấp.

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết 8 tháng năm 2020, Trung Quốc vẫn mua lượng lớn hoa quả, thủy sản và sắn, gạo của Việt Nam. Kim ngạch mặt hàng rau củ quả đạt 1,3 tỷ USD, thủy sản là 700 triệu USD và sắn, sản phẩm từ sắn là gần 550 triệu USD. Riêng gạo, Trung Quốc cũng gia tăng nhập của Việt Nam khi đạt hơn 536.000 tấn, kim ngạch đạt hơn 316 triệu USD.

Trung Quốc gom mua ồ ạt hàng hóa, nguyên liệu dạng thô của Việt Nam - 1

Trung Quốc đang tích cực mua sắm hàng loạt mặt hàng từ các nước, ngoài thực phẩm, gạo còn có cả sắt thép, than đá và dầu thô phục vụ cho chiến lược dài hạn của mình

Đáng nói, clinker và xi măng Việt Nam xuất sang Trung Quốc 8 tháng qua rất lớn với 12,6 triệu tấn, kim ngạch khoảng 415 triệu USD. Mặc hàng dầu thô, Việt Nam xuất đi Trung Quốc với 1,6 triệu tấn, kim ngạch hơn 550 triệu USD.

Mặt hàng xơ sợi dệt các loại, Trung Quốc cũng mua hơn 570.000 tấn của Việt Nam, kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD. Giày dép các loại là hơn 1,37 tỷ USD. Đáng kể nhất là sắp thép, nước này nhập 2 triệu tấn của Việt Nam, kim ngạch hơn 844 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Về nguyên nhân Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu nhiều mặt hàng là bởi một số mặt hàng như thủy sản, rau quả hay gạo nằm trong chiến lược tích trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm để đối phó dịch bệnh, mưa lũ ở Trung Quốc.

Các loại hàng hóa nguyên, nhiên vật liệu Trung Quốc tăng cường mua sắm của Việt Nam như dầu thô, than đá và quặng nằm trong chiến lược tích trữ để đối phó với chiến tranh thương mại có nguy cơ lan rộng hơn giữa Mỹ - Trung Quốc.

Đáng nói nhất là Trung Quốc ngày càng nhập khẩu nhiều xơ sợi, nguyên liệu dệt may từ Việt Nam thay vì trước kia Việt Nam chủ yếu chỉ nhập từ Trung Quốc.

Ngành xơ sợi và dệt nhuộm tổn hại đến môi trường và là phân ngành mà nhiều nước không muốn mở rộng hay tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương của Việt Nam đã mở rộng sản xuất ở lĩnh vực xơ sợi, gây lo ngại ô nhiễm môi trường và biến Việt Nam thành nơi tập trung các doanh nghiệp có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi ngành hàng dệt may.

Về mặt hàng sắt thép xuất khẩu tăng 50% sang Trung Quốc, theo đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết mặt hàng chủ yếu là phôi thép và thép xây dựng từ các nhà máy của Formosa xuất khẩu trong chuỗi công ty con của Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2020, Việt Nam xuất đi 5,9 triệu tấn thép, kim ngạch ước đạt 3,1 tỷ USD. Với mức giá bình quân khoảng 12 triệu đồng/tấn, giá sắt thép xuất khẩu của Việt Nam hiện giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Trung Quốc mua hơn 1/3 lượng thép xuất khẩu trên, với 2 triệu tấn, đạt kim ngạch 844 triệu USD, giá bình quân 9,7 triệu đồng/tấn, thấp hơn 2,3 triệu đồng/tấn so với giá xuất khẩu bình quân ra các thị trường khác. Mức giá này cũng thấp hơn gần 2 triệu đồng/tấn so với mức giá sắt thép mà nước này mua của Việt Nam năm ngoái.