1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trung Quốc gặp khó khi Mỹ chen chân vào dự án "Vành đai và Con đường"

(Dân trí) - Tham vọng của Bắc Kinh về việc liên kết các quốc gia và lục địa thông qua cơ sở hạ tầng đã gặp phải vấn đề ở Rumani, với việc một kế hoạch dự án năng lượng hạt nhân chung đã phải từ bỏ.

Trung Quốc gặp khó khi Mỹ chen chân vào dự án Vành đai và Con đường - 1

Các nhà nghiên cứu cho biết, áp lực của Mỹ có thể buộc một số quốc gia nhỏ hơn phải suy nghĩ lại về việc tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Trong tuần tới, đại hội cổ đông của Công ty hạt nhân Rumani Nucleelectrica dự kiến ​​sẽ đưa ra quyết định chấm dứt một thỏa thuận cơ sở hạ tầng mang tính bước ngoặt với Trung Quốc sau nhiều năm đàm phán.

Chính phủ Rumani đã yêu cầu công ty này - do nhà nước sở hữu 80% - chấm dứt đàm phán với đối tác Trung Quốc về việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân.

Công ty điện hạt nhân này đã có hai lò phản ứng chiếm khoảng 1/5 nguồn cung cấp điện của Rumani, và theo tài liệu năm 2015, công ty và đối tác Hạt nhân Trung Quốc (CGN) đã đồng ý thành lập một liên doanh để phát triển, xây dựng và vận hành thêm hai nhà máy nữa.

CGN sở hữu ít nhất 51% dự án, như là một phần của chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ của Bắc Kinh, được gọi là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Thế nhưng tuần trước, Rumani, một đồng minh của Mỹ, cho rằng, Công ty Nucleelectrica cần tìm một đối tác khác cho các nhà máy mới, yêu cầu họ buộc phải ngừng đàm phán với CGN, cũng như chấm dứt các hoạt động liên quan.

Chỉ vài ngày trước đó, Israel, một đồng minh lớn khác của Mỹ, đã quyết định trao một dự án khử mặn trị giá 1,5 tỷ USD cho một công ty của Israel thay vì chọn CK Hutchison Holdings, một công ty có trụ sở tại Hồng Kông, sau khi Mỹ cảnh báo chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của các khoản đầu tư liên quan đến Trung Quốc.

Các nhà quan sát khu vực cho biết, hai trường hợp trên nêu bật sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và cách các nước nhỏ bị cuốn vào cuộc chiến trong cuộc đua quyền lực giữa hai gã khổng lồ.

Cuộc đàm phán hạt nhân tại Rumani bắt đầu từ tháng 11/2013, khi ông Lý Khắc Cường trở thành Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên đến thăm Rumani trong gần hai thập kỷ.

Chuyến thăm này đã thay đổi mối quan hệ với Rumani cũng như mối quan hệ toàn diện giữa Bắc Kinh với Đông Âu và toàn Liên minh châu Âu. Ông Lý cũng giám sát việc ký kết một số thỏa thuận song phương, bao gồm cả thỏa thuận sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình, mở đường cho các thỏa thuận hạt nhân khác.

Nhưng triển vọng hợp tác đó đã không thể chắc chắn kể từ khi Tổng thống Rumani và Mỹ ký tuyên bố chung vào năm ngoái, kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước về năng lượng hạt nhân.

Và điều gì cần đến cũng đã đến vào đầu tháng 1/2020, khi Thủ tướng Rumani Ludovic Orban cảnh báo chính phủ của ông sẽ rút khỏi thỏa thuận với Trung Quốc và mối quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc sẽ tạm ngừng, theo trang tin Rumani Hotnews.

Jakub Jakobowski, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông phương ở Warsaw, cho biết Bắc Kinh đã hy vọng thỏa thuận với Rumani sẽ trở thành một trong những thỏa thuận thành công nhất của Trung Quốc tại EU.

Ông nói rằng trường hợp Rumani là một ví dụ điển hình về cách cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ở Trung và Đông Âu.

Ông nói rằng, áp lực gia tăng từ Mỹ, cùng với việc mất kiên nhẫn đối với các lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh đã hứa, buộc các nước ở Trung và Đông Âu phải suy nghĩ lại về chiến lược của họ.

Và nhiều chính phủ hiện quyết định hy sinh một phần quan hệ với Trung Quốc - dù sao điều đó cũng không hứa hẹn lắm - để ghi thêm điểm với Washington..

Và những sự việc như với dự án hạt nhân ở Rumani là một trở ngại cho Vành đai và Con đường, sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tăng cường liên kết cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.

Sáng kiến ​​này dự kiến ​​sẽ bao gồm một dự án trị giá 1 nghìn tỷ USD - nhiều trong số đó là các tuyến đường bộ và đường sắt - tại hơn 125 quốc gia.

Bất chấp những cú đánh kinh tế từ đại dịch Covid-19, Bắc Kinh có kế hoạch tiếp tục đổ tiền vào các dự án "Vành đai và Con đường". Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đầu tư trực tiếp 5,23 tỷ USD vào các khu vực phi tài chính ở 53 quốc gia dọc vành đai và con đường, tăng 13,4%, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

Nhưng sáng kiến ​​này đã bị lu mờ bởi những tranh cãi, bao gồm những lo ngại rằng các nước nghèo đang cần các khoản đầu tư của Trung Quốc, sẽ phải gánh chịu các khoản nợ không bền vững, đồng thời tuyên bố rằng Bắc Kinh đang sử dụng Vành đai và Con đường để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.

Các quan chức Mỹ đã công khai chống lại các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á. Trong chuyến thăm Warsaw vào tháng 2 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo cho biết, Mỹ đã sẵn sàng đẩy mạnh cam kết với những khu vực được Trung Quốc tài trợ thông qua các thỏa thuận hợp tác quốc phòng và các chương trình trao đổi khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng là người cảnh báo về việc tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên ở Israel vào tháng trước.

Ông công khai bày tỏ sự phản đối với bất kỳ sự tham gia nào của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng của Israel - chỉ vài ngày trước khi Israel tuyên bố công ty chiến thắng trong nỗ lực xây dựng nhà máy khử mặn 1,5 tỷ USD. Một trong hai nhà thầu cạnh tranh hợp đồng là CK Hutchison Holdings, một công ty nằm trong đế chế đa quốc gia của doanh nhân Li Ka-shing có trụ sở tại Hồng Kông.

Mười ngày sau chuyến thăm của Pompeo, Israel tuyên bố sẽ trao hợp đồng cho công ty địa phương IDE Technologies.

Carice Witte, giám đốc điều hành của Sino-Israel Global Network & Leadership, cho biết các đồng minh của Mỹ như Israel có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc có thể đang ở một vị trí ngày càng khó khăn, đặc biệt là với quyết định của Bắc Kinh vào cuối tháng trước khi thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông

“Điều này ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ có mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc vì những căng thẳng này có thể sẽ làm tăng xu hướng kiểm soát của Mỹ đối với các đồng minh”, bà nói.

Thùy Dung

Theo Scmp