Trung Quốc đồng ý hoãn nợ cho 11 nước châu Phi, liệu vậy đã đủ “hào phóng”?

Hương Vũ

(Dân trí) - Ngân hàng Exim Bank của Trung Quốc mới đây tuyên bố hoãn nợ với 11 quốc gia châu Phi, đồng thời sẽ miễn các khoản vay không lãi suất đến hạn cuối năm 2020 cho 15 quốc gia châu Phi khác.

Trung Quốc đồng ý hoãn nợ cho 11 nước châu Phi, liệu vậy đã đủ “hào phóng”? - 1
Ngân hàng Trung Quốc đã ký quyết định đình chỉ nợ với 11 quốc gia châu Phi. Ảnh: Imaginechina

Cụ thể, Ngân hàng EximBank Trung Quốc đã thông qua quyết định hoãn nợ đối với 11 nước châu Phi theo Sáng kiến ​​Hoãn nợ (DSSI) để hỗ trợ 73 quốc gia thu nhập thấp được khởi xướng bởi nhóm G20. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, các chủ nợ khác cũng đồng ý với quyết định này.

Động thái này từ Trung Quốc được đánh giá nhằm thực hiện cam kết trong Sáng kiến Hoãn nợ (DSSI) của nhóm G20.

Trước đó, một nhóm các quốc gia giàu có trong G20 bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Anh, đã cáo buộc Trung Quốc không tham gia đầy đủ vào DSSI khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chưa có các biện pháp cụ thể giúp các nước châu Phi cắt giảm gánh nặng nợ nần.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Zhao Lijian cho biết vào hôm 13/10, Trung Quốc cũng sẽ miễn các khoản vay không lãi suất đến hạn vào cuối năm 2020 cho 15 quốc gia châu Phi và sẽ tiếp tục thúc đẩy cộng đồng quốc tế, đặc biệt là G20, kéo dài thêm thời gian đình chỉ nợ.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng không tiết lộ quốc gia nào đã được hưởng lợi từ việc Bắc Kinh xóa nợ hoặc những quốc gia nào đã được miễn các khoản vay không tính lãi.

Theo dự đoán của giới quan sát, một số quốc gia như Zambia, Angola, Ethiopia, Cộng hòa Congo (Brazzaville), Djibouti, Mozambique và Kenya, được cho là đang đàm phán với Trung Quốc về việc tái cơ cấu các khoản vay.

Trung Quốc đồng ý hoãn nợ cho 11 nước châu Phi, liệu vậy đã đủ “hào phóng”? - 2
Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo châu Phi tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh gần đây đã tiết lộ rằng Ngân hàng Exim Bank của Trung Quốc đã đóng một vai trò tích cực trong việc hỗ trợ Angola nộp đơn xin hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các chủ nợ không chính thức khác của Trung Quốc đang đàm phán với Angola về việc đạt được đồng thuận cơ bản về kế hoạch tái cơ cấu nợ.

Tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Botswana, Zhao Yanbo, đã thông qua một nghị định thư về việc miễn các khoản nợ không lãi suất đối với quốc gia Nam Phi. “Điều này sẽ giúp Botswana tập trung nguồn lực để chống dịch Covid-19 và nhanh chóng hồi phục nền kinh tế”, ông Zhao nói.

Tuy nhiên, các khoản cho vay không tính lãi chỉ chiếm một phần nhỏ - khoảng 5% - trong tổng số nợ của Bắc Kinh đối với các nước châu Phi.

Ngân hàng Thế giới và G7 cho rằng, Bắc Kinh đã không minh bạch trong các cuộc đàm phán với các quốc gia đang tìm cách xóa nợ và một số tổ chức tài chính chủ chốt của họ đã không tham gia vào sáng kiến ​​này.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới – ông David Malpass, “có quá nhiều chủ nợ không tham gia vào Sáng kiến DSSI, khiến nỗ lực giảm nợ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về tài chính do đại dịch”. Do việc thanh toán nợ chỉ là “hoãn” chứ không phải “cắt giảm” nên vẫn chưa thể giải quyết bài toán nợ nần hiện nay.

Trung Quốc đồng ý hoãn nợ cho 11 nước châu Phi, liệu vậy đã đủ “hào phóng”? - 3
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass. Ảnh: China Daily

“Xét đến mức độ của đại dịch, tôi tin rằng chúng ta cần khẩn trương hành động để giảm bớt nợ của các nước đang đối mặt với khủng hoảng nợ”, ông Malpass nói thêm.

Vị chủ tịch này cũng đã đưa ra lời đề nghị Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) tham gia với tư cách là một bên cho vay song phương chính thức để DSSI có hiệu lực.

Trung Quốc lập luận rằng vì CDB cho vay thương mại thay vì các điều khoản ưu đãi, nên ngân hàng này nên được coi là một bên cho vay thương mại. Phần lớn các khoản vay của CDB nằm trong DSSI tập trung nhiều ở Angola và Pakistan.

DSSI được các thành viên G20 thông qua tháng 4/2020, đề nghị tạm hoãn các khoản thanh toán nợ song phương chính thức giữa các chính phủ nhằm “giải phóng” các khoản ngân quỹ dành cho các quốc gia để tập trung vào chống đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, cho đến nay, 43 trong số 73 nước đủ điều kiện tham gia DSSI đã hoãn thanh toán trên 5 tỷ USD nợ. Các nước được giảm nợ phải cam kết sử dụng số tiền được “giải phóng” để tăng cường các khoản chi về kinh tế, xã hội và y tế nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

DSSI dự kiến sẽ được gia hạn đến tháng 6/2021 nhằm “giải phóng” thêm 6,4 tỷ USD cho 43 nước đã tham gia nói trên. Số tiền này sẽ tăng lên khoảng 11,5 tỷ USD nếu sáng kiến được gia hạn đến cuối năm 2021 hay gần 16 tỷ USD nếu toàn bộ 73 nước đủ điều kiện tham gia vào sáng kiến.