Vốn Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh: Cách nào ngăn chặn nhập công nghệ lạc hậu?

(Dân trí) - Chia sẻ tại Toạ đàm Kinh tế Vĩ mô quý I/2017 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 10/4, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã rất thẳng thắn chia sẻ mối quan ngại về vốn đầu tư của Trung Quốc tăng nhanh nhưng nhập khẩu công nghệ, máy móc lạc hậu cũng gia tăng theo.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ): Vốn Trung Quốc chúng ta nói nhiều nhưng vẫn không giải quyết được và hiện vẫn phải đối mặt. Không phải Trung Quốc không có công nghệ cao, vì sản xuất và xuất khẩu robot của nước này đang đứng đầu thế giới, vượt lên cả Nhật Bản và Mỹ. Nhưng khi họ chuyển đổi sang nền kinh tế có công nghệ cao, cách duy nhất họ làm là chuyển nhà máy cũ, máy móc lạc hậu sang nước khác.

Các chuyên gia kinh tế tại Hội nghị (ảnh Nguyễn Tuyền)
Các chuyên gia kinh tế tại Hội nghị (ảnh Nguyễn Tuyền)

Tiếp tục tư duy nhiệm kỳ, hậu quả sẽ nặng nề

“Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc trở thành 1 trong 3 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong quý I/2017? Điều này là bởi vấn đề tư duy nhiệm kỳ. Làm thế nào để trong nhiệm kỳ của tôi phải tăng trưởng kinh tế, còn hậu quả thì những "ông sau" gánh chịu trách nhiệm chứ không phải tôi”, ông Tuyển nói.

Chuyên gia này cho rằng: "Tư duy nhiệm kỳ là tư duy nặng nề mà chúng ta phê phán nhiều năm qua, nhưng vẫn không thay đổi. Nếu tiếp tục như này, chúng ta tiếp tục lãnh hậu quả".

"Điều này khiến chúng ta gánh chịu công nghệ lạc hậu, đặc biệt khi Trung Quốc chuyển đổi nền kinh tế, đặc biệt là hàng hóa của Trung Quốc đang tồn kho lớn, họ tìm mọi cách đưa sang nước khác. Nếu Việt Nam không cảnh giác điều này thì rất nguy hiểm”, ông Tuyển nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra minh chứng về việc hàng Trung Quốc đóng mác Việt Nam xuất đi các nước, gây tiếng xấu cho hàng Việt.

“Trung Quốc đang thặng dư thương mại với hầu hết các nước nên để bớt tai tiếng, nước này chuyển hàng hóa sang nước khác để tránh tiếng xấu. Ví dụ khi chuyển hàng hóa sang Việt Nam, hàng hóa này trở thành "Made in Vietnam" để xuất khẩu đi. Chúng ta quan sát thấy rõ thời gian vừa qua Việt Nam đã bị Mỹ, Úc nghi ngờ khi một số sản phẩm thép xuất khẩu sang các nước không phải là sản phẩm của Việt Nam”, bà Lan nói.

"Tôi vừa ở châu Phi, các nước bàn về sản xuất ở châu Phi (Made in Africa). “Các nước châu Phi đã mạnh dạn đề cập đến vấn đề Trung Quốc trong đầu tư vào lục địa đen, họ dám gọi Trung Quốc là chủ nghĩa thực dân mới. Tôi rất lo ngại hàng Việt Nam "made in Vietnam” nhưng “by China" (hàng sản xuất ở Việt Nam nhưng được tạo ra bởi Trung Quốc). Các nước khác tăng đầu tư thì mừng, nhưng khi Trung Quốc tăng đầu tư thì tôi e ngại nhiều mặt”, vị chuyên gia quan ngại.

Bà Lan nói rõ: Nếu Việt Nam tiếp tục nhận nhiều FDI hoặc nhập hàng nguyên liệu, hàng lắp ráp từ Trung Quốc để đóng gói tại Việt Nam thì vô hình trung người được lợi là Trung Quốc, Việt Nam chỉ mang tiếng là nước xuất khẩu hộ, bàn đạp sang các nước khác.

“Tai tiếng do Việt Nam lãnh đủ, tiếp tay gian dối thương mại sang các đối tác khác. Việt Nam trực tiếp là thị trường tiêu thụ cho Trung Quốc nhưng cũng đồng thời là nơi trung chuyển các máy móc, thiết bị phế liệu của Trung Quốc”, chuyên gia Lan cảnh báo.

“Vấn đề vốn Trung Quốc” do chính chúng ta mắc phải

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Vấn đề Việt Nam và Trung Quốc là do chính chúng ta. Nói về Luật và hàng rào kỹ thuật, cơ bản chúng ta không thấp hơn Trung Quốc, nhưng thực thi thì chúng ta không thực hiện được. Bằng cách nào đấy, các công nghệ thấp, hủy hoại môi trường của Trung Quốc vẫn vào Việt Nam, nguyên nhân là do chính chúng ta chứ không phải do ai khác.

Ông Thành lập luận: Những vấn đề chất lượng công nghệ, thi công, môi trường, Việt Nam hoàn toàn có quyền lựa chọn để không cho máy móc cũ, kỹ thuật cũ lọt vào. Nhưng có làm được hay không khi mà các công trình lớn chúng ta nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc.

Cụ thể, TS Thành chỉ rõ: “Hiện trong Luật đấu thầu, điều đầu tiên quy định là tiêu chuẩn, chất lượng máy phải đi theo suốt chu kỳ đời sống dự án; thứ 2 mới là giá cả và tài chính. Tuy nhiên, dù có Luật nhưng có làm không lại là câu chuyện khác. Nói tóm lại, tôi cho rằng, câu chuyện với vốn Trung Quốc không chỉ là song phương đầu tư mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác cách quản trị của hành chính Nhà nước, thể chế kinh tế”.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR: Bản chất của các nhà đầu tư của Trung Quốc là không mang công nghệ cao như Nhật, Hàn đi đầu tư; đường đi lại không minh bạch như Mỹ.

“Trung Quốc không có nguyên tắc “đạo đức” nào để đầu tư, khiến môi trường kinh doanh các nước ảnh hưởng xấu đi. Đối với các nước phát triển, nếu không có môi trường kinh doanh tốt, họ sẽ rút đi, còn Trung Quốc thì ngược lại”, ông Thành nói.

Nguyễn Tuyền