Trung Quốc điêu đứng vì “thành phố ma”

Tại “thành phố ma lớn nhất châu Á” Trình Cống, có hơn 100.000 căn hộ bỏ hoang từ năm 2003 đến nay.

Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ ở Trung Quốc lâm vào bế tắc, kéo theo là hàng loạt dự án khu đô thị mới, trung tâm mua sắm đến công viên giải trí trở nên hoang phế.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 

Xây để... bỏ hoang

 

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiếm phần lớn GDP của Trung Quốc. Theo đài BBC, trong một thập kỷ qua, nước này được cho là có thể xây được thủ đô Rome của Ý trong mỗi 2 tháng. Với đà xây dựng vũ bão như thế, rất khó để hãm phanh dù tăng trưởng đã chậm lại cũng như cung đã vượt xa cầu.

 

Ông Kevin Doran, quản lý cấp cao về quỹ đầu tư tại Ngân hàng Brown Shipley (Anh), nói: “Mỗi năm, Trung Quốc có khoảng 7-8 triệu người gia nhập thị trường lao động. Phải có gì đó cho họ làm. 10 hay 15 năm trước, họ xây đường sá, nhà máy điện... nhưng giờ đây đang gặp vấn đề trong chính mục đích đầu tư của mình”.

 

Trung Quốc điêu đứng vì “thành phố ma”
Khoảng đất trống tại công viên ở thị trấn Nam Khẩu, quận Trường Bình được nông dân địa phương sử dụng trồng trọt. Ảnh: Reuters

 

Bà Holly Krambeck, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, dẫn chứng: “Tại huyện Trình Cống thuộc TP Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, có hơn 100.000 căn hộ mới xây nhưng không ai ở”.

 

Được thiết kế để thành nơi giãn dân cho Côn Minh, Trình Cống bắt đầu thành hình từ năm 2003 với các khu chung cư cao tầng mọc lên như nấm. Tuy nhiên, nỗ lực di dân của chính quyền địa phương không thành.

 

Ông Matteo Damiani, một nhà báo người Ý làm việc 7 năm tại Côn Minh, sau nhiều lần đến Trình Cống cho hay ở đây không có ai sinh sống ngoài các nhóm nhỏ sinh viên, công nhân và bảo vệ.

 

“Từ vùng phụ cận đến trung tâm huyện đều vắng ngắt. Sân vận động lớn, các trung tâm mua sắm và hàng trăm tòa nhà - kể cả các biệt thự sang trọng - đã hoàn thành nhưng không thấy bóng người”. Vì vậy, Trình Cống được xem là một trong những “thành phố ma” lớn nhất châu Á.

 

Cấm xây tràn lan

 

Trong khi đó, danh hiệu “trung tâm mua sắm ma lớn nhất thế giới” hay “khu mua sắm vắng nhất thế giới” thuộc về khu phức hợp khổng lồ nằm ở ngoại ô Đông Hoản, thành phố 10 triệu dân của tỉnh Quảng Đông.

 

Hầu hết 1.500 cửa hàng tại đây “vắng như chùa Bà Đanh” kể từ khi được hoàn tất vào năm 2005. Nguyên nhân nằm ở hệ thống giao thông yếu kém, như bình luận của một blogger: “Không may là nó lại được xây ở giữa đồng không mông quạnh”.

 

Nhà đầu tư cũng cố gắng cứu vãn tình thế bằng cách khơi thêm kênh đào, dựng cối xay gió và xây bản sao tháp chuông Campanile ở TP Venice - Ý, Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris - Pháp nhưng khách đến thăm vẫn bóng chim, tăm cá.

 

Thê thảm không kém là công viên giải trí ở thị trấn Nam Khẩu, quận Trường Bình thuộc TP Thiên Tân. Mọc lên gần 20 năm trước, giờ đây lâu đài mang hơi hướm Disney và thành lũy mô phỏng thời trung cổ ở châu Âu được nông dân địa phương tận dụng để trồng trọt.

 

Ra đời với tham vọng trở thành khu vui chơi lớn nhất châu Á, tiếc thay dự án bị bỏ xó do vướng tranh chấp quyền sử dụng đất.

 

Đỡ hơn một chút, thị trấn Thames - mô phỏng thành phố của Anh - ở Thượng Hải vẫn có người lai vãng, có điều không phải dân cư mà là những cặp đôi đến chụp ảnh cưới. Tuy nhiên, theo trang Business Insider, bên cạnh các cửa hiệu và những con đường thiếu sinh khí, một số căn hộ đã được bán cho những người muốn đầu cơ hoặc mua thêm nhà để dành.

 

Hiện Trung Quốc vẫn chưa thống kê được có bao nhiêu “thành phố ma” nhưng tình trạng trên đã khiến cơ quan chức năng mới đây ra quy định thắt chặt việc xây dựng các khu đô thị mới. Theo ông Đông Tả Kỉ, Chủ nhiệm Cục Quy hoạch thuộc Bộ Đất và Tài nguyên, các thành phố sẽ chỉ được mở rộng nếu dân số quá đông hoặc cần đối phó với thiên tai.

 

Theo Xuân Mai

Người Lao động
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”