Trung Quốc “chuyển mình”, Việt Nam cần “tỉnh giấc”?

(Dân trí) - Những năm gần đây, Trung Quốc đang giảm tăng trưởng, chuyển đổi sang nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Động thái này của Trung Quốc này đã và đang được các học giả trên thế giới quan tâm và các học giả Việt nam đặc biệt chú ý.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam, việc hạ tốc độ tăng trưởng của họ cần được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn là nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc, nhất là máy móc, thiết bị; sự “thay máu” và “tuồn” máy móc, công nghệ cũ của Trung Quốc sang các nước thứ 3 là có và Việt Nam không nằm ngoài đích đến.

Trung Quốc “chuyển mình”, Việt Nam cần “tỉnh giấc”?
Máy móc và công nghệ cũ của Trung Quốc được dự báo sẽ tuồn sang các nước thứ 3 trong quá trình tái cơ cấu của nước này

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Hơn 4.500 tỷ đồng xây mới Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh

* Trung Quốc tận thu từ dân để tăng trưởng

* Trung Quốc “chuyển mình”, Việt Nam cần “tỉnh giấc”?

* Làn sóng FDI thứ 3: Được tiếng và chờ miếng?

* Bão số 4 đang đổ bộ vào Phú Yên gây mưa diện rộng

* 7 ngân hàng lại tranh nhau xiết nợ kho cà phê 'rác'

Trung Quốc đang “chuyển mình khôn khéo”

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới WB, từ năm 2008, Trung Quốc đã bắt đầu giảm tăng trưởng GDP sau 1 thời gian tăng trưởng cao nhất thế giới 9% - 14% (2002 – 2007). Năm 2010, GDP Trung Quốc xuống còn 10,5%, năm 2011 là 9,3%, năm 2012 – 2013 là 7,7% và dự định năm 2014 sẽ là 7,4%. 

Theo TS Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):  “Từ năm 2012 đến nay Trung Quốc luôn duy trì chính sách tăng trưởng thận trọng giới hạn ở mức 7,7% - 7,4% để tái cơ cấu, cân bằng của nền kinh tế. Xét về tổng quan, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào đầu tư luôn ở mức 40%, hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) từ năm 2012 đến năm 2013 từ 6 – 7 đồng cho 1% tăng trưởng, tiêu dùng giảm sút, sản xuất dư thừa 59.65%... Vì vậy, Trung Quốc đã và đang bước vào giai đoạn thay máu và chuyển đổi từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng bền vững và tái cân bằng tăng trưởng và ích lợi xã hội”.

Các chuyên gia Việt Nam nhận định, việc chuyển đổi của Trung Quốc là sự “chuyển mình khôn khéo”, họ mong muốn chuyển đổi từ 1 quốc gia nhận đầu tư sang quốc gia đầu tư (xuất khẩu tư bản, tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư ở ngoài nước). Các cánh tay nối dài của các nhà đầu tư nước này đến các ngành khai khoáng, cầu đường và công nghiệp nhẹ tại Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, Đông Nam Á và mới nhất là Nga đã cho thấy điều đó.

Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở hai yếu tố yếu tố, đó là. Quá trình cải tổ “đau đớn” này khiến 1 bộ phận lớn doanh nghiệp sử dụng công nghệ, máy móc cũ của Trung Quốc phá sản. Các máy móc cũ của Trung Quốc sẽ đi đâu? Nó đã và đang đi vào các nước thứ 3 qua viện trợ phát triển, đấu thầu dự án và đầu tư ra nước ngoài.

Thứ hai là trong quá trình giảm tăng trưởng, lao động Trung Quốc sẽ thất nghiệp và việc tạo công ăn việc làm là đòi hỏi tối quan trọng của đất nước này. Thực tế Trung Quốc đang đẩy 1 lượng lớn lao động của mình theo chân các công trình xây dựng, các dự án đầu tư trên khắp thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện đang có sự xuất hiện đầu tư kiểu mới kiểu Trung Quốc. Việc chuyển giao công nghệ cũ như Trung Quốc đang làm là hiện tượng xuất khẩu tư bản thông thường, chuyển giao vòng đời bình thường của quan hệ sản xuất quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đang xuất khẩu lao động cùng xuất khẩu tư bản, đưa lao động tận chân các công trình. Đây là 1 hình thức đầu tư kiểu mới mang “màu sắc” Trung Quốc.

Nếu các đối tác đầu tư Nhật, Mỹ hay EU chỉ mang vốn, công nghệ và 1 bộ phận lao động có kỹ năng, trình độ sang các nước nhận đầu tư thì Trung Quốc lại đưa cả những lao động phổ thông sang các nước nhận đầu tư

Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: “Một khi Trung Quốc lựa chọn tăng trưởng thấp, những máy móc kiểu cũ, nhà máy ô nhiễm sẽ bị loại bỏ không thương tiếc và sẽ có một quá trình “tuồn” máy móc này ra nước ngoài mà chúng ta quen gọi với tên mỹ miều là “chuyển giao”. Các máy móc được chuyển giao này là những công nghệ phế liệu đã được tân trang, và rất nhiều nước đã lãnh chịu hậu quả, trong đó có Việt Nam”.

Nỗi lo nhập siêu lớn từ Trung Quốc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 năm gần đây, tốc độ nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng 2,3 lần về giá trị kim ngạch (năm 2014 ước tính nhập siêu hơn 23 tỷ USD). Từ năm 2000 cho đến nay, Việt Nam chưa bao giờ xuất siêu vào Trung Quốc. Trong cơ cấu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, máy móc, thiết bị cơ khí luôn chiếm từ 40% - 60% giá trị lẫn số lượng nhập khẩu.

Phải nói rằng từ trước đến hiện nay máy móc, công nghệ Trung Quốc đang được nhập về Việt Nam với số lượng lớn, thậm chí hàng từ Trung Quốc là ưu tiên của các DN trong nước như xi măng, mía đường, thép, xi măng, máy cơ khí nông nghiệp… Nguyên nhân chủ yếu được giới chuyên gia chỉ ra đó là giá rẻ, đối tác Trung Quốc tiếp cận nhu cầu nhanh, đặc biệt nghiên cứu kỹ cách thức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu về máy móc, thiết bị trong thời gian ngắn, từ 1 năm trở lại.

TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) nhận định: “Có một đặc điểm là Việt Nam hiện chỉ thâm hụt thương mại với Trung Quốc, không thâm hụt đầu tư. Trung Quốc không phải là nước đầu tư lớn, cũng như đối tác ODA và chủ nợ của Việt Nam. Đây là điều khá may mắn và nhiều người vui mừng. Tuy nhiên, đừng vội mừng, các máy móc “second hand”, “công nghệ phế liệu” của Trung Quốc vẫn được “tuồn” sang Việt Nam, nó không sang Việt Nam bằng vốn ODA, qua kênh đầu tư của các doanh nghiệp FDI mà chủ yếu bằng nhập khẩu từ chính các doanh nghiệp Việt Nam. Tức là chúng ta tự nhập về, dù biết trước những cảnh báo và hệ lụy”.

Theo các chuyên gia kinh tế, điều khiến DN Việt Nam mua máy móc của Trung Quốc nhiều cũng do DN Việt Nam khó có khả năng tiếp cận thông tin, năng lực tài chính, khả năng bảo mật công nghệ và cuối cùng là khả năng đàm phán. Rất ít DN Việt Nam hiện nay được đánh giá cao về năng lực tài chính và bảo mật công nghệ. Nếu tiếp cận công nghệ đời thứ 2 của các nước Châu Âu, Nhật hay Mỹ họ sẽ rất sợ những máy móc, công nghệ này sẽ rơi vào tay các tình báo kinh tế của Trung Quốc và hơn nữa doanh nghiệp Việt Nam cũng khó có khả năng tài chính để mua bởi vì quy trình kiểm định về năng lực tài chính của họ rất phức tạp và chi phí rất cao.

Hiện nhiều nước đã tham gia cam kết chuyển giao công nghệ, thiết bị cho Việt Nam thông qua thỏa thuận về thành lập Khu vực Thương mại tự do (FTA), nghị định liên chính phủ, bộ ngành, như Việt Nam với Ấn Độ, Israel, Úc, New Zealand hay các đối tác của ASEAN. Chính vì vậy, các DN cần mạnh dạn bỏ sự lệ thuộc nhập khẩu máy móc Trung Quốc bằng đa dạng nguồn nhập từ Thái Lan, Malaysia hay Ấn Độ, Hàn Quốc, Israel…
 
Nguyễn Tuyền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”