Trung Quốc chớp cơ hội mua than giá rẻ từ Nga

Nhật Linh

(Dân trí) - Kể từ tháng 5, bất chấp nhu cầu suy yếu và sản lượng nội địa tăng cao, Trung Quốc vẫn tranh thủ mua một lượng lớn đáng kể than Nga.

Theo dữ liệu mới nhất từ S&P Global Market Intelligence, mặc dù tổng lượng nhập khẩu than nói chung của Trung Quốc sụt giảm song các chuyến hàng từ Nga vẫn tăng lên.

Trung Quốc chớp cơ hội mua than giá rẻ từ Nga - 1

Bất chấp nhu cầu suy yếu và sản lượng nội địa tăng cao, Trung Quốc vẫn tranh thủ mua một lượng lớn đáng kể than Nga (Ảnh: AFP/Getty).

Dữ liệu theo dõi hàng hóa giao bằng đường biển của S&P cho thấy, trong 28 ngày đầu tiên của tháng 6, các chuyến hàng than Nga giao bằng đường biển đến Trung Quốc đạt 6,2 triệu tấn, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 5, than Nga đến Trung Quốc thông qua đường biển cũng tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 5,5 triệu tấn.

Đáng nói, sản xuất than nội địa của nước này cũng đang tăng lên. Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 5, sản lượng than thô của nước này tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1,81 tỷ tấn. Trong khi đó, nhập khẩu than nói chung lại giảm xuống còn khoảng 96 triệu tấn, tương đương giảm 13,6% so với năm ngoái.

"Bất chấp nhu cầu suy yếu và sản lượng than nội địa cao hơn, Trung Quốc vẫn đang mua nhiều than Nga hơn kể từ tháng 5", Phó giám đốc S&P Global Market Intelligence Pranay Shukla nói với CNBC. Theo ông, điều này là do Nga đã giảm giá than rất mạnh so với mức giá phổ biến trên thị trường quốc tế.

Nga là nước sản xuất và xuất khẩu than lớn trên toàn cầu. Nhưng kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, Moscow đã buộc phải bán than với giá rẻ sau khi nhiều nước như Nhật Bản cấm nhập khẩu.

Theo ông Shukla, nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc suy yếu do các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt nên nhập khẩu than nói chung của Trung Quốc đại lục cũng ít đi. Ngoài ra, nhập khẩu than của Trung Quốc thấp hơn còn do giá than trên thị trường quốc tế cao kỷ lục trong khi sản lượng than nội địa tăng cao.

Trước đó, trong tháng 3, các lô hàng than Nga đường biển đến Trung Quốc đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái khi biến thể Omicron bùng phát làm nhu cầu sụt giảm. Tuy nhiên, kể từ tháng 4, nhập khẩu than từ Nga đã tăng lên khi than Nga giảm giá do các lệnh trừng phạt.

Theo ông Shukla, hiện mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Trung Quốc để xem liệu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có tăng cường nhập khẩu than khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đợt phong tỏa vì dịch vừa qua.

Tuy nhiên, nếu nhu cầu than từ Trung Quốc tăng lên sẽ kéo theo giá than trên toàn cầu tăng lên, làm lạm phát "nóng" hơn.

Theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, Indonesia, Nga và Mông Cổ hiện là những nhà xuất khẩu than hàng đầu cho Trung Quốc sau khi nước này cấm nhập khẩu than từ Australia vào năm 2020.

Theo CNBC