Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế
(Dân trí) - Trung Quốc vừa cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản trong tháng thứ 2 liên tiếp sau khi giảm lãi suất cho các khoản vay trung hạn hôm đầu tuần nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm nay (20/1) cho biết Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản của khoản vay kỳ hạn 1 năm xuống còn 3,7%, thấp hơn 10 điểm cơ bản so với mức 3,8% tháng trước. Lãi suất của gói vay kỳ hạn 5 năm cũng giảm từ mức 4,65% xuống 4,6%.
Đây là lần đầu tiên trong 21 tháng qua Trung Quốc cắt giảm 2 mức lãi suất trong cùng một tháng.
Động thái này được các nhà phân tích và thương nhân kỳ vọng rộng rãi sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cơ sở đối với các khoản vay trung hạn 1 năm xuống 2,85%, thấp hơn 10 điểm cơ bản so với trước đó.
Ngân hàng trung ương đưa ra lãi suất cơ bản cho mỗi tháng căn cứ trên mức lãi suất của các ngân hàng lớn ở Trung Quốc. Đổi lại, các ngân hàng định giá các khoản vay mới bằng cách tham khảo mức lãi suất cơ bản. Kể từ khi mức lãi suất cơ bản được áp dụng vào năm 2019, các ngân hàng Trung Quốc đã dần thay thế các khoản cho vay hiện tại bằng các khoản cho vay mới dựa trên lãi suất mới.
Theo MarketWatch, đây là lần thứ 2 ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay trong nhiều tháng qua. Hồi tháng 12 năm ngoái, ngân hàng trung ương nước này đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản đối với khoản vay kỳ hạn 1 năm sau khi lãnh đạo nước này cam kết ưu tiên ổn định tăng trưởng, báo hiệu một chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Trong phát biểu mới đây, ông Liu Guoqiang, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết ngân hàng trung ương nước này sẽ hành động sớm và mạnh mẽ hơn để ổn định nền kinh tế trong năm 2022.
Theo ông Liu, ngân hàng trung ương sẽ hướng dẫn các tổ chức tài chính mở rộng phát hành tín dụng trong năm nay, đồng thời sử dụng nhiều công cụ để đảm bảo thanh khoản dồi dào cho thị trường.
Hồi đầu tuần, Trung Quốc cũng đã công bố một loạt dữ liệu kinh tế cho thấy mặc dù tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 vẫn đạt 8,1% nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân là do tiêu dùng nội địa bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Covid-19 mới và bất ổn trên thị trường bất động sản vẫn đè nặng.