Trung Quốc "cấm cửa" cây Thạch đen, tỉnh Lạng Sơn xin "giải cứu"
(Dân trí) - Tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ giải cứu để xuất khẩu cây Thạch đen của tỉnh này để xuất khẩu sang Trung Quốc do năm 2018, nước này vừa cấm nhập loại hàng hóa chưa đăng ký mã hàng hóa này vào thị trường.
Cụ thể, theo giải thích của tỉnh Lạng Sơn, Thạch đen là cây trồng chủ lực, thế mạnh và đem lại giá trị cao cho người dân địa phương. Năm 2017, sản lượng Thạch đen của tỉnh này đạt trên 10.000 tấn, giá trị đạt hơn 200 tỷ đồng. Năm 2018, sản lượng đạt trên 9.600 tấn, giá trị ước tính hơn 190 tỷ đồng.
Thạch đen có thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, tuy nhiên tháng 5 năm 2018, phía Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, hoa quả, trái cây vào thị trường nước này.
Doanh nghiệp muốn nhập các hàng hóa trên vào thị trường đều có giấy phép của các cơ quan chức năng với đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói.
Đối với Thạch đen, năm 2017 tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng nhãn hiệu tập thể Thạch đen Tràng Định và đã được cấp văn bằng. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa đăng ký mã hàng để xuất vào Trung Quốc nên từ tháng 9/2018 phía Trung Quốc đã không cho phép mặt hàng này được nhập vào thị trường của họ.
Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân, mặt khác điều này cũng gây khó khi cây Thạch đen của Việt Nam chưa nhận được thông tin yêu cầu về chuẩn mực kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.
Theo đề nghị của tỉnh Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp cần vào cuộc đề nghị với các cơ quan chức năng Trung Quốc cung cấp những thông tin về yêu cầu cụ thể để mặt hàng Thạch đen của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ cần chỉ đạo thực hiện kịp thời việc đăng ký truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch theo yêu cầu của Trung Quốc.
Đề nghị Bộ NN&PTNT đàm phán với phía Trung Quốc kéo dài lộ trình áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu, đồng thời hướng dẫn tỉnh Lạng Sơn triển khai các hướng trong thời gian tới.
Hiện cây thạch đen được dùng chủ yếu để chế xuất ra các loại thạch, sử dụng cho pha chế các loại đồ uống, thực phẩm ăn liền hoặc đóng hộp đang được thịnh hành trong giới trẻ.
An Linh