1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trung Quốc: 20 năm TTCK tăng trưởng bình quân dưới 1%

(Dân trí) - Suốt 20 năm qua, trong khi kinh tế phát triển vượt bậc thì thị trường chứng khoán Trung Quốc lại có mức tăng trưởng bình quân thấp đến giật mình: chỉ chưa đầy 1%. Quản trị doanh nghiệp kém bị xem là một trong các nguyên nhân chính.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong 20 năm qua đã giúp tài sản của 1,3 tỷ dân Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới, và tạo ra không ít công ty lớn nhất trong lịch sử. Thế nhưng suốt thời gian đó, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ thu được lợi nhuận chưa tới 1%/năm, bằng 1/6 so với lợi suất đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sinh lời rất thấp cho các nhà đầu tư
Thị trường chứng khoán Trung Quốc sinh lời rất thấp cho các nhà đầu tư

Cụ thể, chỉ số MSCI Trung Quốc chỉ tăng 14%, bao gồm cả cổ tức, kể từ khi Tsingtao Brewery Co. trở thành công ty đầu tiên tại Trung Quốc đại lục bán cổ phần cho các nhà đầu tư quốc tế tại Hong Kong, tháng 7/1993. Trong cùng thời gian này, mức sinh lời của chỉ số S&P 500 là 452%, còn chỉ số MSCI các thị trường mới nổi cũng tăng trưởng 322%.

Trong khi sự chuyển hướng sang kinh tế thị trường giúp mức GDP/đầu người Trung Quốc tăng vọt 1074 % (từ 517 USD/người năm 1993 lên 6.076 USD/người cuối năm 2012), và đem về cho các công ty ít nhất 195 tỷ USD từ các đợt phát hành cổ phần tại Hồng Kông, các nhà đầu tư với 695 tỷ USD cho biết những lo ngại về khả năng quản trị doanh nghiệp, sự cạnh tranh và can thiệp của chính quyền đã bào mòn lợi nhuận của các cổ đông thiểu số.

Hiện tại, dù Trung Quốc lần đầu tiên cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường vốn nội địa của nước này giữa lúc GDP được dự báo tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990, quỹ Aberdeen Asset Management Plc cho biết họ cần phải đợi giá giảm hơn nữa trước khi quyết định mua vào.

“Trung Quốc là một trường hợp cho thấy số liệu GDP hấp dẫn không đồng nghĩa với thị trường chứng khoán hấp dẫn”, Nicholas Yeo, một nhà quản lý quỹ của Aberdeen Asset, đơn vị đang quản lý 322 tỷ USD trên toàn thế giới cho biết. “Sự kém chất lượng về quản trị doanh nghiệp là một trong những lý do chính chúng tôi thấy vì sao các công ty không hoạt động tốt trong thời gian dài”.

Thị trường lao dốc

Chốt phiên ngày 12/7 vừa qua, chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm thêm 0,5%, khiến mức sụt giảm chung từ đầu năm lên mức 9,7%. Cổ phiếu của hàng loạt công ty từ ngân hàng công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn thứ hai thế giới về mức độ vốn hóa, tới PetroChina Co., nhà sản xuất năng lượng lớn thứ ba thế giới, đều đã rơi vào vùng thị trường “gấu” sau khi sụt giảm 22% từ mức đỉnh hồi tháng Giêng.

Chỉ số Hang Seng doanh nghiệp Trung Quốc, theo dõi 40 cổ phiếu niêm yết trên sàn Hồng Kông, đã giảm 18% trong năm nay. Trong khi đó chỉ số tổng hợp Thượng Hải của các công ty niêm yết tại Trung Quốc đại lục cũng giảm 10% kể từ đầu năm.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt mạnh sau khi lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng mạnh hồi tháng trước, khiến không ít chuyên gia dự báo GDP của Trung Quốc năm nay có thể chỉ tăng trưởng 7,4%, thấp nhất kể từ năm 1990.

Hiện Bắc Kinh đang hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để nhằm đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn được bền vững hơn. Một trong những biện pháp đó là cắt giảm tín dụng. “Với kế hoạch mới để tái cân bằng nền kinh tế, chúng tôi thấy có một đám mây đang bao phủ các thị trường chứng khoán”, Gary Dugan, trưởng bộ phận đầu tư khu vực châu Á và Trung Đông của quỹ Coutts & Co. nhận định.

Trung Quốc hôm 12/7 đã nâng “trần” vốn đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn nội địa nước này từ 80 tỷ USD lên 150 tỷ USD. Trong khi đó quy mô của thị trường các công ty niêm yết nội địa của nước này lên tới 3000 tỷ USD.

“Tâm lý thị trường về Trung Quốc hiện khá mong manh”, Marco Li, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Manulife Asset Management, Hong Kong, đơn vị quản lý 238 tỷ USD, cho biết.

Quản trị doanh nghiệp

Trước đây, trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng Trung Quốc được chỉ định cho chính quyền các địa phương vay vốn để kích thích tăng trưởng. Trong khi đó, giá nhiên liệu thấp một cách giả tạo đã khiến các công ty dầu khí như PetroChina bị tổn thương. Đến tháng trước, cổ phiếu của ICBC có mức P/E thấp kỷ lục khi chỉ còn 4,9 lần. Trong khi giá trị vốn hóa của PetroChina hôm 25/6 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Hơn 25% các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc kinh doanh không có lãi và tăng trưởng về sản lượng bị các doanh nghiệp tư nhân qua mặt suốt 30 năm qua, một bản báo cáo tháng 2/2012 của Ngân hàng thế giới (WB) từng tiết lộ.

Theo khảo sát của CLSA Asia Pacific Markets và hiệp hội quản trị doanh nghiệp châu Á, tính đến tháng 9/2012, Trung Quốc xếp thứ 9 trong số 11 quốc gia châu Á về khả năng quan trị doanh nghiệp và có sự sụt giảm mạnh nhất trong khu vực kể từ năm 2010.

Các doanh nghiệp quốc doanh “chủ yếu phục vụ lợi ích của chính phủ, thường đưa ra những quyết định ít chú ý tới suất sinh lời trên vốn đầu tư”, Tony Hsu, nhà quản lý quỹ tại công ty Dalton Investments tại Thượng Hải cho biết. Ông khẳng định, ông đầu tư vào các công ty Trung Quốc do các doanh nhân nắm cổ phần lớn điều hành, trong khi đó ông đang bán khống cổ phiếu các doanh nghiệp quốc doanh.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg