Mùa đánh bắt ruốc bắt đầu từ giữa tháng Chạp năm trước đến cuối tháng 2 Âm lịch năm sau. Thời điểm này, ruốc xuất hiện nhiều ở vùng biển các xã Bình Trị, Bình Hải ( huyện Bình Sơn), Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ)...
Năm nay, ruốc biển xuất hiện dày đặc tại vùng biển huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Khoảng 8h, bãi biển thôn Lệ Thủy (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) bắt đầu sôi động. Những chiếc thúng câu, ghe máy chở nặng ruốc tươi tấp nập vào bờ bán ruốc cho thương lái.
Nghề đánh bắt ruốc tương đối đơn giản và chỉ kéo dài khoảng 3 - 4 tiếng mỗi ngày. Khoảng 3h sáng, ngư dân đi thúng câu, ghe ra vùng biển cách bờ tầm 1 - 1,5 hải lý buông lưới mành bắt ruốc. Đến khoảng 8h, ngư dân bắt đầu vào bờ bán ruốc. Chỉ sau một buổi sáng ra khơi, mỗi ghe đánh bắt được từ 2 - 3 tạ ruốc.
Ngư dân Nguyễn Tiến Linh cho biết, nếu đi thúng thì 2 người mà đi ghe thì 3 - 4 người. Đánh bắt ruốc đi gần bờ, ít tốn công, nhiên liệu nhưng sản lượng đánh bắt khá cao nên ngư dân gọi đây là "lộc" biển. "Ruốc được đưa vào bờ là có thương lái chờ sẵn thu mua, có bao nhiêu họ cũng mua hết. Mỗi buổi sáng ra khơi có thể bắt được tầm 3 tạ ruốc, đi thúng thì ít hơn một tí nhưng tính ra mỗi người được chia hơn 1 triệu đồng. Gần Tết mà thu nhập cao như thế này nên ai cũng mừng", ngư dân Linh chia sẻ.
Trúng mùa ruốc dịp cận Tết nên ngư dân vô cùng phấn khởi. Ruốc đang xuất hiện dày đặc, thời tiết tốt nên nhiều ngư dân cho biết sẽ đánh bắt xuyên Tết để kiếm thu nhập.
Bà Bùi Thị Phượng - thương lái thu mua ruốc, cho biết, mỗi ngày bà có thể mua được từ 5 - 6 tấn ruốc tươi chuyển đi các tỉnh. Giá ruốc năm nay cao hơn năm trước, sản lượng cũng tăng nên thu nhập của ngư dân khá cao. Ruốc được thu mua để làm ruốc khô hoặc mắm ruốc. "Nhu cầu thu mua cao nên tôi phải xuống tận bến mua ruốc ngay khi ghe vừa cập bờ. Riêng tôi mua ruốc chở đi các tỉnh khác bán cho những cơ sở làm mắm", bà Phượng nói.
Một phần lớn ruốc tươi được thương lái thu mua chuyển đi bán tại nhiều tỉnh, thành. Phần còn lại được các cơ sở trong tỉnh mua làm ruốc khô. Mỗi cơ sở chế biến ruốc có 8 - 10 lao động tham gia gánh, phơi ruốc với mức tiền công khoảng 300.000 đồng mỗi ngày. Đây là nguồn thu nhập khá cao giúp những phụ nữ miền biển chi tiêu trong dịp Tết.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị Nguyễn Công Cung cho biết, năm ngoái, xã Bình Trị khai thác được khoảng 95 tấn ruốc khô. Riêng năm nay phải đến cuối mùa mới có con số thống kê cụ thể về sản lượng ruốc khai thác được. Ruốc ở xã Bình Trị được tiêu thụ trong tỉnh và nhiều tỉnh thành khác. Ngoài ra, ở xã còn có 2 đại lý chuyên thu mua ruốc khô để xuất khẩu đi các nước, nên đầu ra cũng như giá cả của ruốc biển rất ổn định, giúp ngư dân có cuộc sống khấm khá, an tâm giữ nghề truyền thống.
Quốc Triều