“Trùm địa ốc” Novaland biệt đãi tướng: Gần Tết đón “tiền tỷ”

(Dân trí) - Hơn 18,6 triệu cổ phiếu NVL tương ứng 2% số cổ phần đang lưu hành sẽ được Novaland phát hành theo chương trình ESOP (ưu đãi người lao động trong công ty). Đáng chú ý là mức giá phát hành chỉ bằng chưa tới 1/5 giá cổ phiếu Novaland đang giao dịch trên thị trường.

“Trùm địa ốc” Novaland biệt đãi tướng: Gần Tết đón “tiền tỷ” - 1

Ông trùm địa ốc Bùi Thành Nhơn

Cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) sáng nay (6/12) diễn biến khá gay cấn, có lúc tăng lên hơn 57.000 đồng sau đó giảm xuống 56.400 đồng rồi đứng giá 56.500 đồng.

Mới đây, doanh nghiệp của ông trùm địa ốc Bùi Thành Nhơn đã thông báo phân phối hơn 18,6 triệu cổ phiếu tương ứng 2% số cổ phần đang lưu hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động công ty (ESOP).

Với giá cổ phiếu ESOP phát hành là 10.000 đồng (tức chưa bằng 1/5 giá giao dịch của NVL trên thị trường hiện tại), Novaland dự kiến thu về khoảng 186 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Novaland tăng lên gần 9.560 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số này sẽ có 17,8 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và có 808.933 cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng.

Trong số những lãnh đạo cấp cao thực hiện quyền mua ESOP, bên cạnh ông Bùi Thành Nhơn mua 800.000 cổ phiếu thì Tổng giám đốc Bùi Xuân Huy cũng mua 636.000 cổ phiếu, Kế toán trưởng Trần Thị Thanh Vân mua 507.200 cổ phiếu…

Bên cạnh thông tin nêu trên, Novaland còn dự kiến phát hành riêng lẻ cổ phần phổ thông để chuyển đổi cổ phần ưu đãi cổ tức năm 2015 với khối lượng lên tới 20,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ chuyển đổi 1:3, tức 1 cổ phiếu ưu đãi được nhận 3 cổ phiếu phổ thông).

Đối tượng phát hành là ông Trương Ngọc Minh hiện đang sở hữu 1,13 triệu cổ phiếu ưu đãi, sau khi chuyển đổi dự kiến sẽ nắm giữ 3,39 triệu cổ phiếu phổ thông; ông Nguyễn Hiếu Liêm sau chuyển đổi cũng tăng sở hữu cổ phiếu phổ thông lên 17,1 triệu đơn vị.

Ông Bùi Thành Nhơn tại buổi lễ kỷ niệm 27 năm thành lập của Novaland

Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số khởi đầu không thuận lợi và đã diễn ra rung lắc, giằng co mạnh. Dù vậy, VN-Index vẫn đạt được mức tăng 1,83 điểm tương ứng 0,19% lên 965,1 điểm và HNX-Index tăng 0,21 điểm tương ứng 0,21% lên 102,58 điểm. Trên UPCoM, chỉ số giảm nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,16% còn 55,77 điểm.

Thanh khoản cầm chừng với khối lượng giao dịch suốt buổi sáng dừng ở mức 88,31 triệu cổ phiếu tương ứng 1.864,57 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch thu hẹp còn hơn 9 triệu cổ phiếu tương ứng 101,92 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 3,11 triệu cổ phiếu tương ứng 36,66 tỷ đồng.

Số lượng mã tăng giảm trên thị trường cân bằng với số lượng mã giảm là 260 mã, có 34 mã giảm sàn trong khi phía tăng có 247 mã, 39 mã tăng trần.

Sáng nay, SAB tăng 3.900 đồng, CTD tăng 1.800 đồng, MSN hồi phục 1.400 đồng. HPG, GAS, CTG, PLX, BHN cũng tăng giá. Ngược lại, VNM, VJC, VHM, giảm, VIC đứng giá tham chiếu.

Theo đó, thị trường được hỗ trợ đáng kể từ SAB với 0,73 điểm. HPG cũng đóng góp 0,48 điểm cho chỉ số VN-Index và MSN đóng góp 0,48 điểm… Ngược lại, VNM lại ảnh hưởng tiêu cực khiến VN-Index giảm mất 0,46 điểm.

DGC, ACB, SHB, PVS đồng thuận tăng giá và nhờ đó giúp HNX-Index tăng giá dù phần lớn thời gian, mã này chỉ giằng co quanh mốc tham chiếu, có lúc còn giảm điểm.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán VCBS, các phiên tới thị trường sẽ tiếp tục kiểm tra vùng hỗ trợ quanh 950 điểm và phản ứng của phe mua tại vùng giá này mang tính quyết định cho xu hướng của thị trường trong giai đoạn sau đó.

Do vậy, VCBS giữ nguyên khuyến nghị với nhà đầu tư là tiếp tục đứng ngoài thị trường, chờ đợi sự hình thành đáy của chỉ số VN-Index và chú ý nhiều hơn đến những mã chứng khoán có tiềm năng tăng trưởng tích cực về hoạt động kinh doanh cốt lõi trong năm 2020 và đang được giao dịch với mức định giá hấp dẫn so với mặt bằng chung.  

Mai Chi